Sớm xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực Nhà máy sản xuất Sô-đa Chu Lai

ThienNhien.Net – Dù mới đưa vào vận hành khoảng vài tháng nay, nhưng Nhà máy sản xuất Sô-đa Chu Lai (gọi tắt Nhà máy Sô-đa) đã gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân ở thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) bức xúc, làm đơn gửi đến nhiều nơi. Thế nhưng, tình trạng người dân sống chung với ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Khu vực nuôi cá, tôm sau nhà máy bị ô nhiễm nặng.
Khu vực nuôi cá, tôm sau nhà máy bị ô nhiễm nặng.

Nhà máy Sô-đa (do Công ty CP sản xuất Sô-đa Chu Lai làm chủ đầu tư) được khởi công xây dựng vào năm 2010 tại Khu công nghiệp, hậu cần Cảng Tam Hiệp, với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, có công suất thiết kế 200.000 tấn/năm. Sau gần năm năm xây dựng, vào giữa năm 2015, Nhà máy Sô-đa đưa vào vận hành thử nghiệm. Những tưởng nhà máy này đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, mang niềm vui đến với người dân địa phương. Vậy mà, mới trong quá trình chạy thử nghiệm, nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường, làm xáo trộn cuộc sống của hàng chục hộ dân ở thôn Đại Phú (xã Tam Hiệp).

Theo phản ánh của người dân địa phương, vào tháng 6-2015, khi bắt đầu chạy thử nghiệm, hằng ngày cứ tầm 21 giờ đêm, Nhà máy Sô-đa lại xả thải ra môi trường. Khói thải của nhà máy ra môi trường có mầu đen, động cơ máy nổ gây ra tiếng ồn lớn làm ảnh hưởng đời sống người dân địa phương. Ông Minh Sạ, Trưởng thôn Đại Phú cho biết: Đêm 3-6, nước thải từ nhà máy xả ra sông với khối lượng lớn, nên sáng hôm sau, nhiều người dân ra đồng phát hiện tôm, cá ở các ao nuôi (phía ngoài tường rào của nhà máy) chết hàng loạt; nước bị ô nhiễm, đục và có mầu đen.

Ông Phạm Hà (65 tuổi, ở tổ 7, thôn Đại Phú), dẫn chúng tôi băng qua cánh đồng, đến tận ao nuôi cá, tôm phía sau Nhà máy Sô-đa bức xúc: Có thời điểm, nhà máy chạy cả ngày lẫn đêm, người dân không cách chi ngủ được. Tiếng máy phát ra lớn đến nỗi, vợ chồng, con cái mỗi khi có việc, trao đổi với nhau không ai nghe được. Khuya thì mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Nhiều lần, người dân kéo đến nhà máy phản ánh, họ hứa sẽ khắc phục. Ông Nguyễn Tấn Trang (68 tuổi) ở gần nhà máy phân trần: Khi nhà máy hoạt động, tiếng máy nổ phát ra quá lớn, đến nỗi chúng tôi không thể nghe điện thoại, xem ti-vi được. Tối đến, nhiều gia đình phải gửi con cháu của mình sang xóm khác để học bài.

Khi đề cập về tình hình ô nhiễm, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Văn Ninh cho biết: Qua phản ánh của nhân dân, ngày 20-7, UBND xã đã phối hợp với Đồn Công an Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai, Ban Quản lý Khu Công nghiệp Tam Hiệp và Ban Nhân dân thôn Đại Phú tiến hành kiểm tra thấy nước thải ra môi trường làm cá chết trắng hồ; trong đó, ao cá nhà bà Lê Thị Hồng nằm phía tiếp giáp với hàng rào của nhà máy bị thiệt hại nặng. Khi kiểm tra khu vực phía sau nhà máy, có một con mương do nhà máy đào chạy trực tiếp từ nhà máy ra ao cá, nhưng đã lấp một phần nước không còn chảy nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một con mương khác đang hoàn thiện, nối từ nhà máy ra sông và một bãi đổ chất thải rắn, xỉ than đổ tràn ngập bên ngoài hàng rào nhà máy… khiến người dân lo lắng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trương Văn Trung khẳng định, vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực nhà máy gây bức xúc cho người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần làm văn bản báo cáo đến với các cơ quan chức năng của tỉnh; đồng thời đề nghị công ty tìm biện pháp khắc phục. Nhà máy đã cam kết sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Tuy nhiên, việc đơn vị này có thực hiện đúng cam kết trong đánh giá tác động do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hay không lại không thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện. Bởi nhà máy này, nằm trọn trong phần đất do Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai quản lý. Hơn nữa, ở cấp huyện chủ yếu là quan sát bằng trực quan và thông qua phản ánh của người dân, chứ còn nhà máy gây ô nhiễm đến mức độ nào phải chờ kết quả, đánh giá của các cơ quan chuyên môn cấp trên.

Phó Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai Lê Vũ Thương khẳng định: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các ý kiến phản ánh của người dân về việc Nhà máy Sô-đa xả nước làm ảnh hưởng và gây cá chết là đúng sự thật. Theo báo cáo giải trình của công ty, sự cố vừa qua là do hệ thống làm mát của nhà máy bị lỗi kỹ thuật, nước làm mát không tuần hoàn được nên thoát ra các mương nước mưa. Nhà máy đã tiến hành đào mương để đưa lượng nước mưa thoát ra sông, tuy nhiên do nước triều lên nên lượng nước này chảy ngược lại vào ao cá. Tại thời điểm kiểm tra, công ty đã lấp các mương thoát nước từ nhà máy chảy ra sông. Về nguyên nhân gây tiếng ồn, mùi hôi và khói bụi, phía công ty giải thích: Tiếng ồn là do nhà máy đang vận hành thử nghiệm, mới chạy 70% công suất thiết kế, nên thỉnh thoảng phải xả hơi thừa ra ngoài làm phát sinh tiếng ồn lớn, công ty cam kết vào tháng 9-2015, khi nhà máy chạy 100% công suất, tiếng ồn phát sinh sẽ giảm. Đối với mùi hôi do người dân phản ánh là do nhà máy đang trong quá trình nạp khí amoniac vào đường ống để phục vụ sản xuất, nên “thỉnh thoảng” có hiện tượng rò rỉ khí phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Quá trình này ngắn hạn và chỉ thực hiện một lần trong quá trình hoạt động của nhà máy. Còn bụi phát sinh chủ yếu từ bãi chứa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, phương tiện vận chuyển theo gió ảnh hưởng đến khu vực chung quanh.

Cũng theo ông Lê Vũ Thương, qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy, công ty chưa hoàn thành đúng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết trong báo cáo tác động môi trường. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải, nước mưa, bãi tập kết chất rắn… chưa được xây dựng nhưng đã đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm; tỷ lệ cây xanh trong khuôn viên nhà máy thấp, vệ sinh mặt bằng chưa sạch sẽ; các loại nhiên liệu như: Than, carbon đen chưa được lưu chứa trong khu kín, dễ theo nước mưa chảy ra sông làm ảnh hưởng môi trường; chậm khắc phục những vấn đề bất cập về môi trường khiến người dân bức xúc.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi khởi công xây dựng Nhà máy Sô-đa sát mép biển, cũng có nhiều người không đồng tình vì e ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển. Thế nhưng, những ý kiến này không được các cơ quan chức năng xem xét. Hiện nay, tuy mới chạy thử nghiệm, nhưng đã gây ra ô nhiễm tiếng ồn, nước thải và khói bụi. Vì thế, chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường của nhà máy đối với cuộc sống người dân địa phương, nhất là môi trường nước, khói bụi, chất thải rắn. Qua đó, tìm giải pháp khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm, do đổ chất thải rắn ra môi trường và xả thải nước thẳng ra môi trường không qua xử lý. Đồng thời, sớm tính toán, di dời 400 hộ dân tại đây đến nơi ở mới để tránh bị ô nhiễm và giúp họ ổn định cuộc sống.

“Toàn bộ nhà cửa, vườn tược của 400 hộ dân ở đây đã được đo đạc kiểm kê từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được di dời, nên không biết người dân chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm môi trường, khói bụi đến bao giờ nữa…”.

Minh Sạ (Trưởng thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

“Từ khi Nhà máy sản xuất Sô-đa Chu Lai đi vào hoạt động đã thải ra nhiều chất gây ô nhiễm. Hiện chất thải rắn đang đổ ra phía sau nhà máy là nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn khi mùa mưa đang đến gần”.

Nguyễn Văn Ninh (Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)

“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và Nhà máy sản xuất Sô-đa Chu Lai khẩn trương kiểm định, đánh giá tác động môi trường và tổ chức đối thoại với người dân để tìm hướng giải quyết khắc phục; đồng thời sớm di dời toàn bộ những hộ dân ở khu vực này ra khỏi vùng sản xuất công nghiệp”.

Trương Văn Trung (Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)