CITES tiếp nối những nỗ lực bảo tồn voi và tê giác

ThienNhien.Net – Xác định ưu tiên quản lý và bảo tồn nhằm điều chỉnh hiệu quả hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã cho giai đoạn sắp tới 2013 – 2016 là tâm điểm tại cuộc họp lần thứ 62 của Ủy ban Thường trực Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) kết thúc tuần qua tại thủ đô Geneva, Thụy Sĩ.

Tham dự cuộc họp lần này có khoảng 350 đại biểu đến từ các nước thành viên của Công ước, các cơ quan liên chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và chống buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã.

Thương mại hóa hợp pháp ngà voi

Ảnh minh họa: Huffingtonpost.co.uk

Một trong những vấn đề được ưu tiên thảo luận tại cuộc họp vừa qua là vấn đề liên quan đến loài voi, trong đó các đại biểu tập trung thảo luận về tình trạng gia tăng nạn tàn sát voi trái phép và buôn lậu ngà voi, đồng thời đề cập tới một cơ chế ra quyết định cho tiến trình buôn bán ngà voi trong tương lai.

Qua xem xét báo cáo mới tổng hợp dữ liệu từ 4 nguồn đáng tin cậy (bao gồm Chương trình Giám sát Săn bắn Voi Trái phép của CITES (MIKE), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Hệ thống Thông tin Buôn bán Voi (ETIS) thuộc Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) và cơ sở dữ liệu buôn bán CITES do Trung tâm Giám sát Bảo tồn Thế giới – Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP-WCMC) quản lý), Ủy ban Thường trực CITES đã phát hiện mối liên hệ gần gũi giữa các xu hướng săn trộm và tịch thu ngà voi quy mô lớn.

Theo đó, Ủy ban khuyến nghị nếu muốn loại bỏ tình trạng trên cần nhanh chóng thực thi kế hoạch hành động bảo tồn voi châu Phi, đẩy mạnh kiểm soát các thị trường ngà voi nội địa, đảm bảo hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các nước châu Phi và châu Á trong cuộc chiến chống nạn buôn lậu ngà voi và không ngừng đẩy mạnh những nỗ lực, hành động thực thi quốc tế dưới sự điều phối của Cơ quan Quốc tế Chống Tội phạm về Động vật hoang dã (ICCWC).

Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất tại cuộc họp lần này là việc đề xuất cơ chế ra quyết định cho tiến trình buôn bán hợp pháp ngà voi trong tương lai. Nội dung cụ thể của cơ chế được nêu rõ trong báo cáo nghiên cứu mang tên “Decision-Making Mechanisms and Necessary Conditions for A Future Trade in African Elephant Ivory” (Tạm dịch: Những cơ chế ra quyết định và điều kiện cần cho tiến trình buôn bán ngà voi châu Phi trong tương lai) do Ban Thư ký CITES ủy thác tiến hành theo sự đồng thuận tại Hội nghị các nước thành viên Công ước lần thứ 15 diễn ra ở Doha (Qatar) cách đây 2 năm.

Được biết, trong cuộc họp lần thứ 61 tổ chức ở Geneva hồi tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Thường trực CITES cũng đã tán thành triển khai nghiên cứu trên. Tuy nhiên, Ủy ban này nhấn mạnh báo cáo nghiên cứu không quyết định việc nên hay không nên buôn bán quốc tế ngà voi, nó chỉ đơn thuần là một nghiên cứu mang tính kỹ thuật mà các bên có thể tham khảo trước khi đi đến quyết định cuối cùng tại Hội nghị lần thứ 16 tới.

Mạnh tay hơn để bảo vệ loài tê giác

Ngoài những vấn đề xoay quanh hoạt động buôn bán ngà voi và bảo tồn voi, tại cuộc họp vừa qua, các đại biểu cùng thảo luận báo cáo về nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác thông qua tìm hiểu 5 thị trường tiêu thụ sừng tê giác lâu đời vốn bị cấm buôn bán cả trong nội địa và buôn bán quốc tế là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Báo cáo nhìn nhận tình trạng khan hiếm dường như là nhân tố chính thúc đẩy hoạt động tiêu thụ hơn là giá trị, đặc tính bên trong của sừng tê giác, ngoài ra còn có một nhân tố làm dấy lên nhu cầu sử dụng loại sừng này tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, là tin đồn về khả năng chữa bệnh thần kỳ của nó.

Chính phủ Nam Phi cho biết chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay đã có tổng cộng 281 cá thể tê giác bị sát hại ở Nam Phi, tăng 107 con so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng tê giác bị săn trộm cũng tăng đột biến trong thời gian gần đây: nếu năm 2007 mới có 13 cá thể bị săn trộm thì sang năm 2008, con số này đã là 83 cá thể, năm 2009 là 122 cá thể, năm 2010 là 330 cá thể và năm 2011 lên tới 448 cá thể. Kể từ tháng 1/2012, Nam Phi đã bắt được 176 người, trong đó có 153 người tình nghi là những tay săn trộm, số còn lại là những người liên quan hoặc trực tiếp tham gia đường dây mua bán, vận chuyển tê giác.

Để giải quyết triệt để vấn nạn trên, các đại biểu cho rằng cần phải có những giải pháp bổ sung mạnh mẽ hơn, đảm bảo hiệu quả thực thi ngay từ cấp cộng đồng, đồng thời cần có sự hợp tác quốc gia và quốc tế trên mọi cấp độ, từ công tác hiện trường, sử dụng các kỹ thuật tái tổ hợp DNA đến truy tố và áp đặt những hình phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức tội phạm tham gia vào tội ác này.

Trong cuộc họp CITES lần thứ 62, các đại biểu còn thảo luận về cơ chế xác định một loài có đang được buôn bán ở mức độ bền vững hay không, xem xét những tiến bộ trong thực thi các giải pháp giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức các loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng một số loài ếch và thực vật ở Madagascar, bàn về nguồn cung ứng các loài rắn châu Á được sử dụng trong ngành công nghiệp thuộc da, một số sáng kiến về bảo tồn hổ và buôn bán trái phép các loài khỉ hình nhân…