Cần bảo tồn và phát triển cây Du sam

ThienNhien.Net – Du sam đá vôi, hay còn gọi Du sam, có tên khoa học Keteleeria davidiana (Bertrand) Beissn.. Đây là loài cây gỗ lớn thuộc họ Thông (Pinaceae), có phân bố tự nhiên tại Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam, Du sam có phân bố rất hẹp, số lượng cá thể ít, chỉ còn lại một số cá thể trên các đỉnh dông núi đá vôi vùng Kim Hỷ tỉnh Bắc Kạn. Gỗ Du sam tốt, có mùi thơm, dễ gia công chế biến. Hiện nay Du sam đang bị khai thác ráo riết, loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Du sam được xếp vào nhóm thực vật nguy cấp – EN, vì vậy cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là loài cây gỗ, cao tới 20 – 25m, đường kính có thể đạt 60 – 80cm, vỏ thân màu nâu xám, nứt dọc và bong mảng, thịt vỏ dày màu nâu hồng, phần sát gỗ màu trắng hơi vàng, vỏ giòn có mùi thơm nhẹ.

Kết quả điều tra của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp giai đoạn 2000 – 2004 khu vực Kim Hỷ cho thấy có khoảng trên 100 cá thể Du sam núi trưởng thành. Tuy nhiên đến năm 2008 nhóm nghiên cứu đã điều tra và phát hiện cả khu vực chỉ còn lại 7 cá thể Du sam trưởng thành, những cá thể này mọc rải rác trên các đỉnh núi đá tương đối hiểm trở có độ cao khoảng 700 – 1000m, sinh trưởng của loài ở mức độ trung bình. Cả 7 cá thể Du sam phân bố tương đối tập trung ở vùng trung tâm của Khu bảo tồn.

Cuối năm 2009 nhóm nghiên cứu điều tra bổ sung và phát hiện trong 7 cá thể trưởng thành đã có 2 cá thể bị chặt hạ, chỉ còn lại 5 cá thể sống sót. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thêm 1 cá thể trưởng thành ở đỉnh Khuẩy Tả, nâng tổng số cá thể Du sam còn sống sót tại khu vực lên 6 cá thể. Trong 6 cá thể chỉ phát hiện có 1 cá thể ra nón cái.

Hiện nay còn rất ít cá thể Du sam ở KBTTN Kim Hỷ - (Ảnh:KBTTN Kim Hỷ )

Theo điều tra thống kê đến cuối năm 2009, cây Du sam tái sinh tại khu vực có tổng số lượng khoảng hơn 100 cá thể và phân bố ở các vị trí gần đỉnh, gần với gốc cây mẹ. Tuy nhiên những cây tái sinh có chiều cao hơn 1m rất ít gặp. Hiện các nghiên cứu về loài Du sam của Việt Nam vẫn còn hạn chế.