Sừng tê giác không phải là thuốc

ThienNhien.Net – Trong nhiều năm trở lại đây, loài tê giác trên khắp thế giới phải hứng chịu một sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng do vấn nạn săn trộm tê giác lấy sừng đang diễn biến ngày một phức tạp. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ tê giác khỏi tay những kẻ săn trộm và ngăn chặn hoạt động buôn bán sừng tê, song việc bảo vệ loài này đến nay vẫn đang là một bài toán khó. Bài phỏng vấn dưới đây với ông Mark Jones, Giám đốc Tổ chức Care for the Wild International – CWI (Bảo vệ các loài hoang dã Quốc tế ), đồng thời là đại diện của The Special Survival Network – SSN (Mạng lưới Cứu trợ Đặc biệt), hy vọng sẽ giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về vấn nạn này.

 

Xin ông cho biết quan điểm của CWI/SSN về vấn đề bảo tồn tê giác?

Các quần thể tê giác còn lại trên thế giới đang phải đương đầu với sự đe dọa nghiêm trọng từ nạn săn trộm tê giác lấy sừng. Và chúng tôi tin là giải pháp hợp pháp hóa hoạt động bán sừng hay cưa sừng tê giác sẽ chẳng giúp gì cho việc bảo vệ chúng. Điều ta cần chính là một cơ chế pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn và một tiến trình thực thi pháp luật tốt hơn đối với cả nơi tê giác sinh trưởng, phát triển và những thị trường buôn bán sừng tê giác. Đồng thời còn cần tăng cường những nỗ lực tuyên truyền, giúp mọi người hiểu tại sao việc mua sừng tê giác không mang lại lợi ích gì cho họ cả.

Hiện trạng loài tê giác trên thế giới ra sao, thưa ông?

Trong tự nhiên hiện chỉ còn lại 5 loài tê giác với tổng số khoảng 26.000 con đang sống ở châu Phi và châu Á.

Đông đảo nhất là loài tê giác trắng Nam Phi, sống chủ yếu ở các khu bảo tồn và công viên ở Nam Phi. Còn các loài khác, bao gồm tê giác đen ở Nam và Đông Phi, tê giác một sừng lớn ở Ấn Độ và Nepal, tê giác Sumatra và Java ở Đông Nam Á, cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nhiều người cho rằng chỉ có khoảng 300 con tê giác Sumatra và 45 con tê giác Java hiện còn sống sót.

Vì sao những kẻ săn trộm lại nhắm vào loài này?

Chúng giết tê giác để lấy sừng. Mặc dù sừng tê chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay chúng ta vậy, song nhiều người châu Á vẫn tin rằng sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất kỳ thứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút, từ bệnh sốt tới thấp khớp. Vì thế, nó được dùng như một thành phần trong các loại thuốc Đông y. Thậm chí ở Việt Nam còn có tin đồn rằng sừng tê giác chữa khỏi bệnh ung thư  và nó đã đẩy mạnh nhu cầu về sừng tê giác làm thuốc ở đây.

Kẻ săn trộm thì chẳng hề biết tới hai chữ nhân từ. Tất cả những con tê giác còn cặp sừng trên đầu không bao giờ nằm ngoài mục tiêu của chúng. Để khiến con mồi bất tỉnh, kẻ trộm thường sử dụng các loại thuốc gây mê rồi mới thực hiện phi vụ. Đôi khi vẫn có một vài con tê giác còn sống sót nhưng khi tỉnh dậy chúng đã bị mất sừng; sau một vài giờ hoặc lâu hơn là vài ngày bị dày vò đau đớn bởi vết thương khủng khiếp do kẻ săn trộm gây ra, chúng sẽ bị tử vong. Những chú tê giác con thường bị bỏ lại và chết đói ngay bên cạnh xác của tê giác mẹ.

Ông có biết sừng tê giác được bán với giá bao nhiêu không?

Theo nguồn tin của chúng tôi thì giá 1kg sừng tê giác dạng bột ở Việt Nam là 60.000 USD, song mức giá ấy không phải cố định mà liên tục thay đổi. So về trọng lượng thì nó còn đắt đỏ hơn cả vàng và giá bán cocaine trên đường phố Anh quốc.

Đắt như thế hẳn là có cơ sở chứng minh công dụng của sừng tê giác chứ?

Không hề. Bạn cứ việc giữ lấy tiền và gặm móng tay của mình còn hơn.

Đầu mối cung cấp sừng tê giác xuất phát từ đâu? Thị trường buôn bán chính nằm ở những quốc gia nào? Và ai là người đứng ra giao dịch?

Đa số sừng tê giác đều có nguồn gốc từ Nam Phi – quốc gia có nhiều tê giác sinh sống nhất thế giới. Năm 2010, chỉ tính riêng số tê giác mà quốc gia này bị săn trộm ít nhất đã là 333 con, gấp 3 lần năm 2009 và gấp tới 30 lần thời điểm những năm 1990. Zimbabwe cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi vấn nạn săn trộm tê giác và những quần thể tê giác ở các nước khác như Kenya, Ấn Độ, Nepal, cũng bị nhắm tới.

Các thị trường chủ yếu buôn bán sừng tê dạng bột là Việt Nam và Trung Quốc, ngoài ra còn phải kể đến Thái Lan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, kẻ buôn lậu thường vận chuyển gián tiếp sừng tê qua các nước khác ở châu Á hoặc thậm chí là châu Âu để lách luật trước khi đến nơi tiêu thụ chính.

Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng hầu hết sừng tê dạng bột tại châu Á đều bắt nguồn từ nạn săn bắn trái phép, trong đó một số là chiến lợi phẩm sau khi săn bắn, một số do chết tự nhiên.

Vì sừng tê giác có giá trị cao nên hoạt động săn trộm hầu hết đều do các nhóm tội phạm tinh vi cầm đầu và thực hiện bằng những phương tiện hiện đại như trực thăng, vũ khí hạng nặng và các loại thuốc gây mê. Điều này thực tế đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan hành pháp ở các nước.

Những hiệp định quốc tế nào đã ra đời nhằm mục đích bảo vệ loài tê giác?

Tất cả các loài tê giác đều được luật pháp quốc tế bảo vệ. Năm 1977, Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) đã liệt loài tê giác vào danh sách các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Phụ lục 1 – Các hoạt động thương mại bị cấm – cấm mọi hoạt động buôn bán động vật hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể động vật. Đáng tiếc là năm 1994, tê giác trắng Nam Phi đã bị chuyển sang Phụ lục 2 – Các hoạt động thương mại chịu ràng buộc của các quy định, nhưng không bị cấm (các hoạt động chịu ràng buộc) – cho phép một số hoạt động buôn bán động vật sống và săn bắn các chiến lợi phẩm. Theo quan điểm của chúng tôi, hoạt động buôn bán trên danh nghĩa “hợp pháp” này đang được dùng để đưa sừng tê giác trái phép vào thị trường, thậm chí là tạo điều kiện lập nên các “trại sừng tê giác” ở những nơi như Trung Quốc, Việt Nam… khiến nạn săn trộm trái phép càng trở nên khó kiểm soát.

 

Việc hợp pháp hóa hoạt động buôn bán sừng tê giác từ các kho trữ hàng liệu có thể làm thỏa mãn nhu cầu và giảm áp lực săn trộm không?

Chúng tôi không nghĩ như vậy. Zimbabwe và Nam Phi đã đề xuất là có thể họ sẽ bán hạ giá số sừng tê chứa trong các kho trữ hàng. Tuy nhiên, với mức giá hiện tại, sẽ phải mất một lượng sừng khổng lồ đưa vào thị trường để có thể khiến giá sừng giảm xuống và từ đó hạn chế nạn săn trộm. Hơn nữa, việc hợp pháp hóa cũng trao cho hoạt động này “đặc quyền” hợp pháp, tạo cơ hội cho việc “rửa” sừng tê giác lưu thông trái phép và những kho trữ hàng nằm trong tay tư nhân.

Ngoài ra còn cần nghĩ đến một nghi vấn đạo đức: có nên hợp pháp hóa việc buôn bán một sản phẩm không hề có giá trị về mặt y học, nhưng con người đang “ném” vào đó một lượng tiền lớn vì tin rằng nó có thể chữa bệnh hay không? Rõ ràng điều đó có nghĩa là chúng ta đang “moi” tiền một cách hợp pháp.

Thêm nữa, tôi tin rằng việc CITES cho phép hoạt động buôn bán hợp pháp ngà voi hòng làm giảm nạn săn trộm voi đã phản tác dụng trong thực tế.

Tại sao không nên áp dụng giải pháp cưa sừng tê giác?

Có hai lý do khiến bạn muốn áp dụng giải pháp này. Thứ nhất là để bảo vệ loài tê giác khỏi tay những kẻ săn trộm vì cho rằng bọn chúng sẽ buông tha cho những con tê giác không sừng. Thứ hai là để đưa sừng tê giác vào diện buôn bán hợp pháp.

Song, xét về lâu dài, giải pháp cưa sừng không hề khả thi bởi ngay cả khi đã bị cưa, những kẻ săn trộm hám lợi vẫn không ngừng nhắm vào những con tê giác dù chỉ có một ít sừng còn lại. Mặt khác, việc cưa sừng cần tiến hành đều đặn (ít nhất 1 lần/năm) mới hiệu quả và đối với tê giác hoang dã thì điều này vô cùng khó khăn, tốn kém và nguy hiểm cho cả người thực hiện cũng như loài tê giác. Thêm một lý do nữa là tê giác mẹ cần có sừng để bảo vệ con và đôi khi là để với những cành non trên cao. Do đó, nếu loại bỏ sừng tê sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh tồn của chúng.

Vậy chúng ta có thể làm gì để cứu loài tê giác, thưa ông?

Trước hết cần có cơ chế ban hành luật, thi hành pháp luật kiên quyết hơn và các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác. Bên cạnh đó, chúng ta còn cần hợp tác quốc tế tốt hơn để ngăn chặn nạn buôn bán trái phép và truy tìm ra những kẻ săn trộm, buôn bán các sản phẩm từ sừng tê giác; xem xét một số sáng kiến đang áp dụng như thành lập Liên đoàn Quốc tế Chống Tội phạm Liên quan đến Động vật hoang dã; lập ra các tổ chức kiểu như Interpol, Tổ chức Hải quan Thế giới, Lực lượng đặc nhiệm chống nạn săn trộm tê giác của CITES…

Cuối cùng và quan trọng nhất là cần phải cung cấp kiến thức cho những người sử dụng các sản phẩm sừng tê giác, giúp họ hiểu tại sao điều này không hề tốt cho cả họ và loài tê giác… bằng cách triển khai việc tuyên truyền ở các thị trường chính tiêu dùng sừng tê và thông qua các tổ chức y học cổ truyền.

Muốn loài tê giác còn tồn tại trong tương lai thì ngay từ bây giờ chúng ta phải hành động. Nếu không, những động vật đồ sộ này sẽ vĩnh viễn biến mất.

CWI cứu tê giác bằng cách nào?

Hiện CWI đã tổ chức các nhóm, đội chống nạn săn trộm và giăng bẫy những kẻ săn trộm ở Kenya, làm nhiệm vụ tuần tra các khu vực xung quanh vườn quốc gia, loại bỏ “bẫy tử thần” và giúp chính quyền nhận dạng những kẻ săn trộm, đưa chúng ra vành móng ngựa. Chúng tôi cũng đang đầu tư cho việc thực thi pháp luật ở Ấn Độ nhằm mục tiêu vạch trần hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Trên hết, tổ chức của chúng tôi cùng với các phòng, ban thuộc SSN luôn cố gắng củng cố cơ chế pháp luật và vấn đề thực thi luật pháp quốc tế để bảo vệ loài tê giác và những loài động vật khác đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Không dừng lại ở đó, CWI còn hỗ trợ tài chính triển khai chương trình ứng cứu những chú tê giác con bị mất mẹ bởi nạn săn trộm và chuẩn bị mọi điều kiện để thả chúng trở về những khu vực tự nhiên được bảo vệ.

Một người bình thường như tôi có thể giúp loài tê giác bằng cách nào và cần tìm kiếm thêm thông tin ở đâu?

Mời bạn ghé thăm trang web của CWI – www.careforthewild.com – bạn sẽ có thêm cho mình nhiều thông tin bổ ích và sẽ nhanh chóng tìm ra hướng hỗ trợ giải cứu loài tê giác thích hợp, hiệu quả nhất.