Gỡ vướng trong thực hiện quản lý rừng bền vững

ThienNhien.Net – Việc đạt chứng chỉ rừng bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thu nhập đối với các hộ gia đình, tuy nhiên, áp dụng quy trình quản lý rừng bền vững nhằm đạt chứng chỉ tại Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn về mặt kỹ thuật, năng lực chuyên môn của các nhóm chủ rừng, vốn, và một số cơ chế chính sách liên quan.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Tổ chức GIZ (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức), Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo“Chứng chỉ rừng: Cơ hội và Thách thức cho Việt Nam” vào ngày mai (24/2) tại TP HCM.

Hội thảo không chỉ tập trung chia sẻ các kinh nghiệm thu được từ các công ty lâm nghiệp và các hộ trồng rừng đã đạt được chứng chỉ mà còn là diễn đàn để các tổ chức, cá nhân, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ thảo luận về những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm tháo gỡ vấn đề.

Được biết, quản lý rừng bền vững và phát triển nguồn tài nguyên rừng là một trong 5 mục tiêu cơ bản được xác định trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020, và theo Chiến lược này thì đến năm 2020, sẽ có khoảng 30% diện tích rừng sản xuất của Việt Nam (tương đương trên 1 triệu ha) đáp ứng tiêu chí quản lý rừng bền vững.

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kể từ năm 2012, các công ty lâm nghiệp thuộc các tỉnh Tây Nguyên chỉ có thể khai thác rừng tự nhiên nếu có phương án quản lý rừng bền vững được Bộ thẩm định và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sản lượng khai thác được quy định cụ thể trong phương án quản lý rừng bền vững.

Định hướng này sẽ khuyến khích thúc đẩy các công ty lâm nghiệp xây dựng phương án quản lý rừng bền vững – một trong những điều kiện tiên quyết hướng tới việc đạt chứng chỉ rừng. Vì thế, việc gỡ vướng trong quá trình thực hiện là yêu cầu cấp bách và cần thiết.