Công cụ cho vay mới của WB bị phê phán

ThienNhien.Net – Trong tuần làm việc cuối cùng của tháng 1/2012, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố thông qua một phương thức cho vay mới mang tên Program-for-Results (Chương trình hướng đến Kết quả), gọi tắt là PforR hoặc P4R. Đây được coi là một công cụ tài chính cải tiến, có khả năng liên kết trực tiếp tiến độ giải ngân vốn vay với kết quả dự án. Tuy nhiên, theo nhóm gồm hơn 200 tổ chức xã hội dân sự đến từ 51 quốc gia trên thế giới thì “P4R là một bước thụt lùi, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình thực thi các chính sách an toàn về xã hội và môi trường của WB”.

Trái với những khẳng định của lãnh đạo WB rằng với những tiêu chí đánh giá về tín dụng, môi trường và xã hội, P4R sẽ đảm bảo rằng nguồn vốn của Ngân hàng vận hành hiệu quả, các tác động môi trường và xã hội của chương trình sẽ được giải quyết thỏa đáng, P4R sẽ thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chương trình ở các nước đang phát triển…, những tuyên bố này đã bị chỉ trích nặng nề.

Nhóm phản biện WB cho rằng P4R đang dọn đường cho việc nới lỏng áp dụng các chính sách an toàn về môi trường và xã hội của Ngân hàng. Các chính sách an toàn này là thành quả của quá trình đàm phán lâu dài giữa Ngân hàng và các nhóm hoạt động xã hội về các lĩnh vực công bằng kinh tế, quyền con người, môi trường, người dân thiểu số. Tuy nhiên, theo chương trình mới, số dự án áp dụng chính sách an toàn giảm đáng kể.

P4R bị chỉ trích là làm giảm phạm vi áp dụng và ý nghĩa các chính sách an toàn của WB (Ảnh minh họa: Brecorder.com)

Trong khuôn khổ P4R, chỉ những dự án có mức độ rủi ro nhất (Dự án nhóm A) mới bị P4R loại trừ, còn tất cả các dự án thuộc Nhóm B – rủi ro thấp hơn – đều có cơ hội được vay vốn. Mức độ rủi ro của các dự án do Nhóm Đánh giá Độc lập (IEG) của WB thực hiện. Đáng tiếc, theo IEG nhiều dự án nhóm B trên thực tế vẫn có “rủi ro đáng kể” và có tới gần 1/3 số dự án có mức độ rủi ro cao bị “xếp nhầm” sang nhóm B.

Lập luận chỉ trích cho rằng tính minh bạch cũng sẽ không thể được cải thiện khi các tiêu chí về minh bạch bị WB hạ thấp. Một chương trình dành cho một quốc gia đang phát triển thường bao gồm hàng trăm dự án. Nếu P4R chỉ đánh giá ở tầm chương trình quốc gia mà không xét đến các dự án thì khó có thể nói là đảm bảo được tính minh bạch. Kéo theo đó, việc phản hồi ý kiến và thực hiện cơ chế khiếu nại của cộng đồng cũng sẽ khó khăn hơn.

Đặt trong bối cảnh WB đang nỗ lực nắm giữ vai trò trung tâm trong quản lý các quỹ tài chính về khí hậu như Quỹ Đầu tư Khí hậu (CIF), Quỹ Tài chính Các-bon (CFU), Chương trình Đối tác Các-bon về Lâm nghiệp (FCPF) hay Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) của Liên Hợp quốc, người ta kỳ vọng rằng các chính sách an toàn của Ngân hàng sẽ trở thành điều kiện cần để xét duyệt dự án do GCF tài trợ. Thế nhưng, một khi P4R đã thông qua và các chính sách an toàn của WB bị suy giảm, hy vọng đó sẽ khó bền vững.