Năm 2007: Giá lương thực thế giới tăng 40%

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới tăng liên tục trong năm 2007 đã khiến 37 quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng thực phẩm nghiêm trọng. Hệ quả của nó là các cuộc xung đột và bệnh dịch hoành hành.

Theo FAO, chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 40% trong năm ngoái, đến cuối tháng 12 đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Giá lương thực ở những quốc gia nghèo nhất, bao gồm Irac, Afghanistan, Nepal, Pakistan, và 20 nước châu Mỹ, đã tăng 25%.

Trong một cuộc họp báo tuần trước tại trụ sở FAO ở Rome, ông Jacques Diouf – Tổng giám đốc FAO phát biểu: “Cần có những bước đi mới và khẩn cấp nhằm ngăn ngừa những tác động tiêu cực của tình trạng leo thang giá cả trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy việc trồng trọt lương thực ở những nước chịu tác động mạnh nhất của biến động này.” Ông cũng cảnh báo rằng: “Tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nếu nông dân nghèo không được hỗ trợ, họ sẽ không thể nào đương đầu được với thực tế. Việc giúp đỡ những hộ gia đình nghèo dễ bị tác động ở những vùng nông thôn trong khoảng thời gian ngắn, và giúp họ có thể sản xuất nhiều lương thực sẽ là một công cụ hiệu quả bảo vệ họ chống lại nạn đói và thiếu lương thực.”

FAO chỉ trích rằng việc dự trữ lương thực ở mức thấp, nạn hạn hán và lũ lụt gắn với biến đổi khí hậu, giá dầu cao và gia tăng liên tục kéo theo đòi hỏi phải được thay thế bằng nhiên liệu sinh học là những nguyên nhân làm tăng giá lương thực toàn cầu. Tổ chức này cũng đang kêu gọi việc cải tiến ngay từ các yếu tố đầu vào của mùa vụ như giống, phân bón tại những quốc gia và khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất của việc giá lương thực leo thang.

“Chúng tôi muốn đặt áp lực lên phía chính phủ để việc nhập khẩu thực phẩm giá cao trở nên dễ dàng và khi đó họ có thể tập trung vào các giải pháp lâu dài. Các đầu tư ngắn hạn cũng được tiến hành ngay lập tức với những phương thức nhằm đảm bảo tốt hệ thống cấp nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, cải tạo độ màu mỡ của đất, đảm bảo tính bền vững lâu dài trong sản xuất lương thực.” – Đại diện của FAO phát biểu.