2011 – Năm thảm họa của voi và tê giác

ThienNhien.Net – Số lượng voi và tê giác bị săn trộm gia tăng mạnh do nhu cầu ngày càng lớn về sừng và ngà là thực trạng đáng buồn của công tác bảo tồn voi và tê giác năm 2011.

Số tê giác bị săn bắt đạt kỷ lục mới

Nam Phi từng là quê hương của hơn 20.000 con tê giác, cách đây hơn một thập kỷ, trung bình mỗi năm Nam Phi chỉ mất đi khoảng 15 con. Thế nhưng, nạn săn trộm tê giác bắt đầu gia tăng đáng kể từ năm 2007 khi tầng lớp người giàu ở Châu Á sẵn sàng chi nhiều tiền để mua sừng tê giác vì niềm tin vào tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của bài thuốc từ sừng của loài động vật này.

Tuy không có bằng chứng khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác, song những lời đồn thổi về công dụng chữa bệnh ung thư, bệnh gút hay thậm chí là tăng cường khả năng tình dục cũng đủ để đẩy giá sừng tê giác lên cao, tới mức 65.000 USD/kg, đắt hơn cả bạch kim, vàng và ma túy.

Niềm tin ấy cũng đồng thời khiến quần thể tê giác bị thu hẹp do bị săn bắt. Một thực trạng đáng buồn là năm 2011, Nam Phi – nơi chiếm hơn 90% số lượng tê giác của châu Phi – lại ghi thêm một kỷ lục mới về số lượng tê giác bị săn trộm với 443 con, tăng 110 con so với con số 330 tưởng chừng đã là kỷ lục vào năm 2010.

Các thống kê cho thấy hầu hết số sừng tê giác khai thác từ châu Phi sẽ được vận chuyển sang tiêu thụ tại các thị trường châu Á. Là một điểm nóng về săn bắt tê giác lấy sừng, Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi, vốn có diện tích tương đương với Israel, là nơi diễn ra một nửa số vụ săn trộm tê giác. Bất chấp các nỗ lực củng cố lực lượng và trang bị kỹ thuật, phương tiện để ngăn chặn các vụ săn trộm tê giác, các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng tăng cường trang bị vũ khí và thiết bị săn bắt để qua mắt lực lượng chức năng.

Hiện nay, nhiều chiến dịch vận động ở Nam Phi kêu gọi Tổng thống Zacob Zuma duy trì hiệp ước thương mại quốc tế năm 1993 về việc cấm buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng và tăng cường phối hợp với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan nhằm chấm dứt việc buôn bán sừng và các bộ phận khác của tê giác.

Tháng 9 vừa qua, Nam Phi đã ký một biên bản ghi nhớ với Việt Nam với hy vọng sẽ đi đến một thỏa thuận giúp hạn chế nạn săn trộm tê giác tại Nam Phi và đang tìm kiếm những thoả thuận tương tự với Thái Lan và Trung Quốc.

Cán bộ hải quan và nhân viên tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Kenya kiểm tra ngà voi bị thu giữ tại một kho cảng của thành phố biển Mombasa, tháng 12 năm 2011. Ảnh: (MSNBC)

Số lượng ngà voi lậu bị bắt giữ ở mức kỷ lục

Nếu sừng tê giác đang được săn lùng để làm thuốc thì nhu cầu dùng ngà voi làm đồ trang trí của người dân châu Á cũng đang khiến loài động vật này lâm nguy. Sự thất bại của hàng loạt các cuộc truy quét vận chuyển trái phép ngà voi khiến năm nay thực sự trở thành năm tồi tệ nhất đối với loài voi kể từ sau lệnh cấm buôn bán ngà voi năm 1989.

Theo thống kê, trước khi những tay thợ săn da trắng từ các lục địa châu Âu xuất hiện, số lượng voi của châu Phi vào khoảng 5 đến 10 triệu cá thể. Song, những đợt săn trộm quy mô lớn phục vụ các thương vụ buôn bán ngà voi bắt đầu xuất hiện vào những năm 1890 khiến số lượng voi châu Phi giảm xuống chỉ còn khoảng 600.000 con.

Lệnh cấm buôn bán ngà voi năm 1989 và những nỗ lực quốc tế để bảo vệ các đàn voi ở Đông và Nam châu Phi đã có nhiều tiến triển trước khi xuất hiện mối đe dọa mới từ nhu cầu ngà voi ở châu Á. Hiện nay, ngày càng nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức – đặc biệt là các băng nhóm tội phạm châu Á – tham gia vào quá trình săn trộm và buôn bán trái phép ngà voi.

Cũng cùng đường đi như sừng tê giác, tất cả các vụ bắt giữ ngà voi lậu đều được vận chuyển từ châu Phi sang châu Á. Thống kê cho thấy, số lượng ngà vận chuyển lậu bị bắt giữ năm 2011 tương đương với số ngà của ít nhất 2.500 con voi. Các chuyên gia cho rằng vì một phần ngà voi bị thu giữ là ngà tích trữ từ năm ngoái nên cũng không thể tính toán được đã có bao nhiêu con voi bị giết trong năm 2011. Song theo Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại Washington thì trung bình mỗi tháng có khoảng 50 con voi bị giết để lấy ngà.

Ngoài ra, Mạng lưới Kiểm soát Buôn bán Động vật Hoang dã (TRAFFIC) cũng nhận định, dù không thể tính toán được số ngà voi đã được vận chuyển chót lọt, song rõ ràng là có sự gia tăng đáng kể các vụ bắt giữ ngà voi lậu với quy mô lớn (trên 800 kg) trong năm 2011. Ít nhất đã có 13 vụ bắt giữ ngà voi số lượng lớn  trong năm nay, trong khi năm 2010 con số này chỉ là 6 vụ, với tổng số ngà voi thu được chưa tới 1000 kg.

Theo chuyên gia về voi và tê giác của TRAFFIC, Tom Milliken, sự tham nhũng, đồng lõa trong một bộ phận hải quan khi chỉnh sửa, hợp thức hóa thông tin hàng hóa và sự tham nhũng trong các cơ quan chức năng khác khi tuồn ngà voi từ các kho trữ ngà voi lậu bị tịch thu và ngà của những con voi chết ra đường dây buôn bán trái phép càng làm ảm đạm thêm bức tranh về thực trạng buôn bán ngà voi năm nay.