Nam Phi – Việt Nam chung tay chống buôn lậu sừng tê giác

ThienNhien.Net – Ngày 19/10/2010, đoàn cán bộ Nam Phi đã đến Việt Nam để thảo luận về cách giải quyết nạn buôn lậu sừng tê giác ngày một gia tăng từ Nam Phi về Việt Nam. Mục tiêu của chuyến thăm (do Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – TRAFFIC hỗ trợ) nhằm tăng cường phối kết hợp việc thực thi pháp luật giữa hai quốc gia để chấm dứt vấn nạn này.


Đoàn cán bộ Nam Phi gồm đại diện các cơ quan Chính phủ Nam Phi có liên quan đến việc theo dõi và thực thi pháp luật trong vấn đề buôn bán sừng tê giác Nam Phi. Đoàn sẽ gặp gỡ và làm việc với các đối tác phía Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm học hỏi thêm về chính sách của Việt Nam trong việc giải quyết các vụ buôn lậu sừng tê giác.

Theo thông tin từ đoàn cán bộ này, trong năm 2010, Nam Phi đã mất 230 con tê giác, trung bình cứ 30 giờ mất một con, đây thực sự là một khủng hoảng tồi tệ nhất về bảo tồn trong hai thập kỷ qua.

“Do đó, điều quan trọng là các nỗ lực thực thi pháp luật của Nam Phi phải được nâng lên tầm cao mới, đồng thời kết nối với các nước châu Á trong cuộc đấu tranh bảo vệ loài tê giác”, Tom Milliken, Giám đốc TRAFFIC khu vực Đông và Nam Phi nói.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những đầu mối của các vụ buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp ở châu Á. Đã có một vài đường dây buôn bán lớn hình thành kết nối việc bắn giết tê giác bất hợp pháp ở Nam Phi với người tiêu dùng ở Việt Nam.

Vào năm 2008, một cán bộ ngoại giao Việt Nam làm việc tại Sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã bị quay phim khi đang tiến hành mua lậu sừng tê giác. Trong một trường hợp khác, một người Việt Nam đã bị kết án 3 năm tù vào tháng 10/2010 vì tội buôn lậu 5 sừng tê giác nặng 18kg qua sân bay quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 01/2008.

Trong khi tê giác châu Á gần như tuyệt chủng tại Việt Nam, một phần do săn bắn lậu để lấy sừng, thì vẫn còn các quần thể hoang dã quan trọng ở châu Phi, nhất là ở Nam Phi nơi có tới 90% số tê giác. Việc sở hữu sừng tê giác như chiến lợi phẩm săn bắn thì được phép và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhưng buôn bán những sừng này là bất hợp pháp.

Ở Việt Nam, việc thiếu vắng một hệ thống đăng ký và kiểm soát các sừng tê giác có sở hữu cá nhân đã tạo điều kiện cho thị trường buôn bán bất hợp pháp.

Nguyên nhân khiến cho vấn đề này trở nên “rầm rộ” là do nhiều nơi ở châu Á, người ta tin tưởng sừng tê giác có thể chữa nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Bởi vậy, ở Việt Nam, sừng tê giác (kể cả sừng giả) đang được bán khá công khai tại nhiều cửa hàng thuốc y học cổ truyền, bệnh viện và trên mạng.

Chuyến thăm của đoàn cán bộ Nam Phi tới Việt Nam hy vọng sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong việc hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật đấu tranh chống nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã nói chung, và loài tê giác nói riêng.