Hạn chế trong giám định mẫu vật động vật hoang dã

Giám định mẫu vật đóng vai trò quan trọng trong công tác điều tra hoạt động buôn bán trái phép các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, một số quy định, thủ tục liên quan đến công tác giám định mẫu vật ĐVHD hiện nay còn vướng nhiều khó khăn, bất cập khiến hiệu quả giám định chưa cao và chưa hỗ trợ được nhiều cho quá trình điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép ở Việt Nam.

Ảnh: PanNature

Việt Nam hiện được biết đến là một trong những nước cung cấp, trung chuyển và tiêu thụ các loài động, thực vật hoang dã cùng sản phẩm, dẫn xuất của chúng (Nguyễn, 2008). Theo thông tin từ Cục Kiểm lâm, từ năm 2009 đến 2013, có tới 4.630 trường hợp vi phạm các luật liên quan đến bảo vệ các loài hoang dã, trung bình khoảng 900 vụ/năm (Wyatt và Cao 2015). Trong khi đó, số liệu từ Cục điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy từ năm 2010 đến 2015, đơn vị này thu giữ 55.200 kg vảy tê tê; 18.000 kg ngà voi và hơn 235 kg sừng tê giác từ các hoạt động buôn bán bất hợp pháp (Nguyễn, 2017). Đáng chú ý là số lượng các vụ vi phạm trong lĩnh vực này khá lớn và ngày càng tăng nhưng tỷ lệ xử lý hình sự lại khá thấp (Nguyễn, 2017), phần lớn chỉ dừng ở xử phạt hành chính. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do khó khăn trong công tác giám định các tang vật động thực vật hoang dã.

Theo nguồn số liệu từ một báo cáo chưa công bố của Tổ chức Quốc tế Đối xử Nhân đạo với Động vật (HSI), có tới 76,92% cán bộ thực thi pháp luật tham gia cuộc khảo sát gặp khó khăn trong việc xác định mẫu vật. Chia sẻ chung của cán bộ thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) cho hay giám định mẫu vật các loài hoang dã “là một nghề nhức óc và buồn lòng bởi vì nếu loài vật còn sống hay còn nguyên da lông thì cơ hội được thả về tự nhiên rất cao mà công tác giám định cũng dễ dàng. Tuy nhiên, thông thường khi các nhà khoa học tiếp cận với tang vật thì con vật đã bị xẻ ra nhiều mảnh, chỉ còn xương, thậm chí trong tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia” (Nguyễn, 2013).

Bên cạnh đó, các thủ tục, quy trình giám định mẫu vật hiện cũng chưa rõ ràng khiến cán bộ thực thi thường né tránh việc giám định và thường quy về xử lý hành chính. Mặt khác, chế tài, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về buôn bán các loài hoang dã cũng như trao đổi mẫu vật còn nhiều bất cập; kinh phí giám định mẫu vật cũng khá hạn hẹp; kỹ năng xác định loài còn nhiều vướng mắc.

Ảnh: PanNature

Việt Nam là một trong những nước thành viên chính thức của CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) nên chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ và thực thi các nghị quyết liên quan đến hoạt động giám định các loài hoang dã như Nghị quyết 10.10 về buôn bán mẫu vật voi; Nghị quyết 9.14 về bảo tồn và buôn bán các loài tê giác Châu Á và Châu Phi; Nghị quyết 17.8 về xử lý mẫu vật thuộc CITES có nguồn gốc bất hợp pháp bị tịch thu. Mặc dù các văn bản này đều yêu cầu các quốc gia thành viên thu thập mẫu vật từ các vụ bắt giữ ngà voi, sừng tê giác, hổ… nhằm phân tích giám định mẫu vật phục vụ điều tra hành vi vi phạm, tuy nhiên, các nghị quyết không quy định cụ thể về quy trình, số lượng và cách thức giám định.

Liên quan đến việc giám định tư pháp đối với các vụ án liên quan đến động thực vật hoang dã, Việt Nam cũng đã ban hành một số luật và văn bản hướng dẫn như: Luật Tố tụng hình sự; Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Thông tư số 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 47/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y; Chỉ thị số 28/2016/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật. Tuy nhiên, các văn bản này cũng đều chưa quy định rõ nội dung giám định mẫu vật động, thực vật hoang dã, kể cả Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp.

Ở cấp độ văn bản hướng dẫn luật, Nghị định số 82/2006/NĐ-CP cũng chỉ quy định một trong những chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan khoa học CITES là “giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã” chứ không đề cập cụ thể về nội dung hay quy trình giám định. Một số văn bản quy phạm pháp luật khác chỉ quy định về quy trình giám định đối với cơ thể người nên không thể áp dụng cho việc lấy mẫu giám định đối với động thực vật hoang dã.

Thêm điểm đáng chú ý là việc giám định ADN đối với mẫu vật tang vật hiện mới dừng ở việc xác định mẫu vật thuộc loài nào mà chưa xác định được xuất xứ của mẫu vật. Mặc dù tại Chỉ thị số 28/2016/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “thông báo kịp thời cho Cơ quan quản lý CITES Việt Nam về các vụ vi phạm đối với mẫu vật thuộc các Phụ lục của CITES và kết quả xử lý; chuyển giao hoặc cung cấp mẫu của các mẫu vật ĐVHD thuộc Phụ lục I của CITES tịch thu để thực hiện việc giám định quốc tế, bảo quản, trao đổi mẫu với các nước thành viên có liên quan và Ban Thư ký CITES quốc tế theo quy định của CITES”, song do chưa có quy định cụ thể về việc thu mẫu tang vật đi giám định ở các phòng thí nghiệm nước ngoài nên việc chuyển giao mẫu chưa thực hiện được, chưa kể chi phí giám định tại nước ngoài rất tốn kém.

Bên cạnh đó, quá trình lấy mẫu giám định cũng chưa quy định cụ thể về thời gian trưng cầu giám định mẫu vật; cách thức lấy mẫu đối với các loài động, thực vật hoang dã (cá thể sống và chết); cách bảo quản, bàn giao mẫu vật và đưa ra kết quả giám định mẫu vật… Trong khi đó, các bước này rất cần được thực hiện theo quy trình và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan cũng như tổ chức, cá nhân làm chứng để đảm bảo tính minh bạch, chính xác và khoa học.

Ảnh: PanNature

Liên quan đến tổ chức thực hiện giám định tư pháp, Điều 12 của Luật Giám định tư pháp 2012 chỉ công nhận 09 tổ chức giám định tư pháp công lập trong ba lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Do đó, đối với các cơ quan, đơn vị thường thực hiện giám định về mẫu vật động thực vật hoang dã như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; Viện Sinh học Nhiệt đới; Viện Sinh thái học Miền Nam; Viện Khoa học Lâm nghiệp; Viện Tài nguyên và Môi trường; Viện Hải dương học…, nếu không được Bộ NN&PTNT hoặc UBND cấp tỉnh lựa chọn, lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc thì các kết quả giám định sẽ khó trở thành bằng/vật chứng trong quy trình xử lý. Riêng trường hợp Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – là cơ quan ngang bộ – nên Bộ NN&PTNT hay UBND tỉnh không thể lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Điều này sẽ hạn chế phần nào đội ngũ chuyên gia giám định mẫu vật động thực vật hoang dã vốn đang thiếu hiện nay, nhất là khi cần giám định các loài mà Việt Nam không có.

Cũng theo Điều 12 Luật Giám định tư pháp 2012, ngoài một số tổ chức giám định tư pháp công lập được công nhận, trong trường hợp đặc biệt, các cá nhân, đơn vị trưng cầu giám định có thể trưng cầu các cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do. Người tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn/tiêu chí cụ thể nhằm giúp cơ quan thực thi lựa chọn đúng cá nhân, tổ chức giám định có đủ năng lực, kinh nghiệm phục vụ cho công tác điều tra.

Riêng với các mẫu vật thuộc Phụ lục I CITES tịch thu được hiện nay, các cơ quan thu giữ đều phải tiến hành trưng cầu giám định theo một trong hai phương pháp hình thái học (đối với mẫu vật sống, còn nguyên hình dạng) hoặc phân tích bằng kỹ thuật phân tử – ADN (đối với mẫu vật chết hoặc bộ phận, dẫn xuất). Cơ quan trưng cầu có thể lấy mẫu và gửi đến cơ quan khoa học để giám định hoặc mời cơ quan khoa học trực tiếp xuống lấy mẫu giám định tại hiện trường hoặc giám định qua ảnh. Phần lớn các cơ quan thu giữ tang vật hiện nay đều trưng cầu giám định từ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (đối với mẫu động vật) hoặc Viện Khoa học Lâm nghiệp (đối với mẫu thực vật). Với các cơ quan ở phía Nam, do điều kiện địa lý, việc trưng cầu giám định thường được đặt ra đối với Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) và Viện Khoa học Hình sự phía Nam (C54B)… Tuy nhiên, trên thực tế, do trang thiết bị, kinh nghiệm và kỹ năng giám định khác nhau nên nhiều khi kết quả giám định của cùng một mẫu tại các đơn vị nhưng lại vênh nhau hoặc trái chiều, gây lúng túng cho cơ quan xử lý vụ việc. Để khắc phục hạn chế này, một số chuyên gia và đơn vị đề nghị các cơ quan thực hiện giám định mẫu vật động thực vật hoang dã nên ký thỏa thuận hợp tác về cơ chế phối hợp hoặc trao đổi thông tin nhằm tránh tình trạng phải thành lập hội đồng giám định và thực hiện giám định nhiều lần, vừa giúp giảm chi phí cho bên trưng cầu giám định, vừa tăng hiệu quả xử lý vụ việc. Nếu kéo dài thời gian giám định (tối đa là 3 tháng theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) thì sẽ gây khó khăn hoặc làm gián đoạn các hoạt động điều tra cũng như xử lý vụ việc.

Về việc báo cáo kết luận giám định, Điều 32 và 33 của Luật Giám định tư pháp yêu cầu các thông tin và hồ sơ giám định phải rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể đối với kết luận giám định động thực vật hoang dã nên trên thực tế có những hồ sơ kết luận giám định khá sơ sài, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết vụ việc.

Về vấn đề kinh phí giám định, các lực lượng đấu tranh trực tiếp với các loại hình tội phạm như Cảnh sát môi trường hay Hải quan thường có kinh phí hàng năm chi trả cho hoạt động giám định mẫu vật nhưng các đơn vị thường xử lý vụ việc như Chi cục kiểm lâm hoặc Bộ đội biên phòng… thì nguồn kinh phí này vô cùng hạn hẹp hoặc không có. Đây là một trong những lý do khiến việc giám định dễ bị bỏ qua.

Ngoài các bất cập nêu trên, hiện cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cơ quan quản lý chịu trách nhiệm là đầu mối giám sát mẫu vật động thực vật hoang dã bị tịch thu cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý mẫu vật động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị quyết số 17.8 của Công ước CITES và Chỉ thị 28/CT-TTg.

Nhằm góp phần giải quyết các bất cập hiện tại, thiết nghĩ cần đề xuất sửa đổi Luật Giám định tư pháp theo hướng luật hóa việc giám định mẫu vật động thực vật hoang dã và công nhận các tổ chức có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần xây dựng một khung hướng dẫn chung về quy trình giám định động thực vật hoang dã, đồng thời ban hành các hướng dẫn cụ thể cho một số mẫu vật phổ biến như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê… để phục vụ công tác điều tra các hành vi vi phạm trong buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép.

Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị London 2018 về chống buôn bán trái phép ĐVHD

Tại Hội nghị London về chống buôn bán trái pháp luật động thực vật hoang dã (10/2018), Việt Nam đã trình lên Ban tổ chức Hội nghị các cam kết của Việt Nam, bao gồm các điểm chính sau:

1. Coi buôn bán trái pháp luật ĐTVHD là một loại hình tội phạm nghiêm trọng có tổ chức, tăng cường thực thi pháp luật và giải quyết tham nhũng có liên quan: Việt Nam cam kết hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý hình sự và vi phạm hành chính đối với tội phạm về ĐTVHD, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi có hiệu quả Bộ Luật Hình sự mới 2015 (sửa đổi 2017) và Luật Lâm nghiệp 2017. Việt Nam sẽ nghiên cứu xây dựng chuẩn hoá và phổ biến các tài liệu hướng dẫn nhận dạng các mẫu vật ngà voi, sừng tê giác cho cán bộ thực thi pháp luật tại các khu vực cửa khẩu và các cán bộ giám định trong năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, báo cáo theo yêu cầu quốc tế bao gồm hệ thống thông tin buôn bán mẫu vật voi (ETIS) và báo cáo về kho lưu trữ mẫu vật tê giác dự kiến hoàn thiện trong năm 2020.

2. Xây dựng các quan hệ hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và trường và học viện, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ: xây dựng giáo trình đào tạo cho giảng viên cho các trường, học viện với các nội dung về bảo vệ động, thực vật hoang dã, thực hành tư pháp liên quan đến động thực vật hoang dã trong năm 2019. Các hoạt động tiến tới chấm dứt các trang trại nuôi nhốt gấu ở Việt Nam sẽ tiếp tục được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, Việt Nam xây dựng lộ trình tiến tới cấp phép CITES và FLEGT trên hệ thống hải quan một cửa, hoàn thành trong vòng một năm sau khi ký hợp tác VPA- FLEGT.

3. Đóng cửa thị trường buôn bán trái pháp luật ĐTVHD: Nội dung bảo tồn ĐVHD tập trung các loài tê giác, tê tê, voi, hổ sắp tới được thí điểm đưa vào khung chương trình ngoại khoá cấp tiểu học từ  năm 2019 và hướng tới đưa vào chương trình ngoại khóa cấp tiểu học toàn quốc năm 2025. Thông điệp về giảm cầu đối với các loài trong giai đoạn từ 2018 đến năm 2023 sẽ hướng đến các hướng dẫn viên du lịch, đội ngũ nhân viên khách sạn và đầu bếp tại hơn 100 cơ sở đào tạo thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Thông qua Hiệp hội doanh nghiệp và Hội Đông y, chương trình ký cam kết không sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã sẽ triển khai tới các doanh nhân và thầy thuốc. Việt Nam cũng đẩy mạnh đưa thông điệp truyền thông thay đổi hành vi về các vấn đề phòng chống buôn bán trái pháp luật các động, thực vật hoang dã tới nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, lan tỏa qua các phương tiện truyền thông.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn tại Phiên khai mạc Hội nghị Luân đôn 2018 về chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực hoang dã (Ảnh: CITES Việt Nam)

Hội nghị London là hội nghị lớn nhất trong chuỗi hội nghị cấp cao về Buôn bán động thực vật hoang dã trái phép. Năm 2018, Hội nghị đã thu hút hơn 1.300 đại biểu từ hơn 400 tổ chức và hơn 70 quốc gia trên thế giới tham dự. Tại Hội nghị, hơn 50 quốc gia đã thông qua Bản Tuyên bố London 2018, tái khẳng định cam kết bảo vệ các loài động thực vật nguy cấp trên toàn cầu.

(Nguồn: CITES Việt Nam)

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyen, V. S. 2008. Wildlife trade in Viet Nam: situation, causes and solutions. The Journal of Environment & Development 17(2):145-165. Nguồn: http://bit.ly/btcs583

2. Wyatt, T. and Cao, A. N. 2015. Corruption and wildlife trafficking. Anti-Corruption Resource Center, U4 Issue May 2015, No. 11. http://bit.ly/btcs601

3. Bộ Tư pháp, bài trình bày của bà Nguyễn Thị Hòa tại Chương trình tập huấn “Tăng cường năng lực thực thi pháp luật và phổ biến Bộ luật Hình sự sửa đổi trong quản lý buôn bán động, thực vật hoang dã” được thực hiện bởi Cơ quan quản lý CITES, Tổ chức Quốc tế Đối xử nhân đạo với động vật (HSI) va Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC)

4. http://bit.ly/btcs584

5. CITES, Resolution Conf. 10.10 (Rev. CoP17), Trade in elephant specimens( Truy cập tại: http://bit.ly/btcs585 ).

6. Nghị quyết 9.14. Nguồn: http://bit.ly/btcs586

7. Nghị quyết 17.8. Nguồn: http://bit.ly/btcs587

Nguyễn Thị Mai, Tổ chức Quốc tế Đối xử Nhân đạo với Động vật (Humane Society International)