Quần thể vượn cáo Madagascar đang bị đe dọa

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc mất đi những tín ngưỡng, những cấm kị thuộc về văn hóa truyền thống chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thu hẹp số lượng các quần thể vượn cáo ở Madagascar.

Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Bangor (Wales) và tổ chức phi chính phủ Madagasikara Voakajy thực hiện đã tiến hành khảo sát thói quen ăn uống của cộng đồng bản địa Malagasy và nhận định rằng nhu cầu thịt rừng đang gia tăng ở miền đông Madagascar là nguyên nhân khiến tình trạng săn bắn những loài được bảo vệ lan rộng.

Trước đây, người dân bản địa hết sức sùng bái các loài linh trưởng bởi tin rằng các loài vật này chính là tổ tiên của họ, tuy nhiên xu hướng toàn cầu hóa và sự du nhập những ảnh hưởng từ bên ngoài đang dần phá vỡ những quan điểm truyền thống ấy.

Loài vượn cáo cổ khoang đen trắng (Varecia variegata) được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ cũng không nằm ngoài mục tiêu của nạn săn bắn (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay.com)

Theo Tiến sĩ Julia Jones thuộc trường Đại học Bangor, đồng tác giả báo cáo, tín ngưỡng và những cấm kị đi kèm từng chiếm một vai trò quan trọng trong văn hóa của người Malagasy. Và săn bắt vượn cáo, đặc biệt là vượn cáo Indri đã từng là một điều cấm kị trong văn hóa của người Malagasy. Tuy nhiên, giờ đây nó lại trở thành một trong những nguồn thịt động vật cho cư dân nơi đây.

Khảo sát 1.154 hộ gia đình đã cho thấy phần lớn các bữa ăn trong khoảng thời gian 3 ngày trước khảo sát của cư dân bản địa hoàn toàn không có thịt rừng mà phổ biến là cá và gia súc, gia cầm; dưới 10% các bữa ăn có chứa thịt những loài vật hoang dã bị bắt và chỉ 0,5% số bữa ăn của các hộ gia đình có chứa thịt của những loài được bảo vệ. Mặc dù vậy, khi được hỏi họ đã từng ăn thịt những loài được bảo vệ chưa, 95% câu trả lời là có. Con số này đã đủ để hé lộ bức tranh về tình trạng săn bắn động vật quý hiếm tại Madagascar.

Ngay cả khi tình trạng giết động vật lấy thịt xảy ra không nhiều, nhưng nếu chúng là những loài chậm sinh sản thì điều đó cũng gây ra những tác động không nhỏ, Tiến sĩ Julia Jones, nhận định.

Và theo ý kiến của bà, việc cải thiện nguồn thịt sẵn có thay thế với sự hỗ trợ của các dự án, bao gồm cải tiến chương trình vắc-xin nhằm đảm bảo gia súc và gia cầm không bị chết do virus, sẽ là một giải pháp hữu hiệu giúp khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung cấp thịt ngoài thú rừng.

Bên cạnh đó, việc tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã cũng sẽ góp phần đáng kể để hạn chế nạn săn bắn các loài quý hiếm ở Madagascar, mà điển hình là loài vượn cáo.