Thăm công trường thủy điện Xayaburi

ThienNhien.Net – Không biết được hình thành khi nào, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) rồi chảy qua Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam với chiều dài hơn 4.800km, con sông ấy từ bao đời nay đã âm thầm tiếp nguồn sống cho hàng triệu con người. Ấy vậy mà, gần đây cả cộng đồng thế giới đang lo lắng dòng sông sẽ bị chính bàn tay con người chặn dòng để tìm nguồn lợi riêng. Rồi số phận con sông ấy sẽ ra sao, cuộc sống của hàng chục triệu con người vốn dựa vào dòng sông sẽ đi về đâu? Cuối tháng 10/2011, chúng tôi đã có cuộc viễn du để tìm hiểu những gì đang diễn ra quanh con sông ấy ở nơi người ta đang dự định xây một con đập chắn ngang dòng chính. Dòng sông mà chúng tôi đang nhắc đến chính là dòng sông Mẹ Mê Kông.

Trong vai khách du lịch, đoàn chúng tôi đi theo một con đường mới mở đã được trải nhựa êm ru, con đường mà theo nhiều người dân địa phương thì nó dẫn thẳng vào địa điểm xây dựng công trình thủy điện đang gây tranh cãi Xayaburi.

Một con đường dài gần 10km đã được xây dựng từ trung tâm tỉnh Xayaburi vào đến nơi công trường chuẩn bị xây đập thủy điện Xayaburi. Ảnh: ThienNhien.Net

Trước khi có ý định đến thăm công trình thủy điện đầu tiên trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông đang được rậm rịch chuẩn bị để xây dựng, đoàn chúng tôi đã nhận được nhiều lời khuyên và nhắc nhở rằng không nên đi. Khi được hỏi vì sao thì chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu và điều đó càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm tiếp cận địa điểm này.

Không khó để dịch mấy dòng chữ Lào ghi ở tấm bảng chỉ dẫn vào công trường, đoàn chúng tôi nhằm con đường mới mở mà đi. Hai bên đường là những “núi” vật liệu xây dựng đang được tập kết. Đi qua một hai bản có người dân sinh sống thì con đường bắt đầu lên đèo dốc. Dọc đường rất nhiều xe tải chở dầu qua lại. Giữa đỉnh đèo, nơi có máy móc đang thi công đường, là tấm biển nhắc nhở những xe không phận sự miễn vào. Chúng tôi xuống xe và hỏi người chỉ huy đơn vị đang thi công để vào trong với lý do lâu ngày không về thăm làng, thăm anh em họ hàng trong đó và được họ đồng ý cho vào.

Đi tiếp vài cây số nữa theo con đường len lỏi qua các cánh rừng, những ngôi nhà nhỏ đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Cũng trên con đường đó chúng tôi đi sâu vào trong bản thì bắt gặp những ngôi nhà xây hai tầng sơn màu trắng bạc, với ngổn ngang những thiết bị máy móc bên cạnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết những dãy nhà đó là nhà điều hành của đơn vị thi công công trình thủy điện Xayaburi. Trên các triền đồi san san lán trại là khu ở của những người công nhân. Càng đi sâu dân cư càng đông đúc hơn.

Càng vào trung tâm bản Talan xe ô tô tập trung càng đông. Ảnh: ThienNhien.Net

Theo một đoạn đường dài gần cây số với hai bên toàn là ô tô chở dầu, xe tải, máy xúc, xe lu…, chúng tôi đứng trước một ngã ba. Rẽ vào con đường bên phải, chúng tôi gặp một chốt gác bảo vệ. Thấy chúng tôi họ nhanh tay hạ barie xuống khiến đoàn chúng tôi buộc phải dừng xe, ghé vào một nhà dân uống nước. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi trò chuyện với cô chủ quán, chúng tôi được biết cách chỗ chúng tôi đang ngồi gần 20 cây số là một công trường lớn, nơi đó đơn vị thi công đang tiến hành khoan đục gì đó nên cấm không cho phương tiện lạ vào.

Như quan sát của chúng tôi thì bên trong chốt chặn là những thiết bị máy móc được xếp thành hàng dài, thi thoảng lại có những chiếc xe mang biển kiểm soát của Thái Lan ra vào. Nếu tính cả những chiếc xe công trình đang đậu bên ngoài thì ở đó có tới hàng trăm xe. Nhìn sâu vào trong theo con đường ấy, có thể thấy rất nhiều hệ thống máy khoan cỡ lớn đang ngự trị trên đồi.

Quá tò mò muốn được chứng kiến những gì đang diễn ra phía trong theo con đường này, lấy lý do là dân du lịch muốn vào thăm thác trên sông Mê Kông, chúng tôi đã bị những người giữ chốt từ chối thẳng thừng. Họ bảo phải có giấy giới thiệu mới vào được. Họ kiểm soát nghiêm ngặt đến nỗi những biển số xe được in to tướng treo trên tường chốt hoặc những xe có lô gô của đơn vị thi công mới được ra vào. Nói khó mãi họ cũng đồng ý cho chúng tôi vào nhưng phải đi bộ và để lại toàn bộ máy ảnh, máy quay. Nhưng đi bộ gần 20 cây số để tới được sông Mê Kông thì đến bao giờ? Trong cuộc trao đổi với họ, chúng tôi được biết con đường này và các hoạt động trong đó đã tồn tại từ hơn một năm nay.

Chỉ có xe của đơn vị thi công mới được phép ra khu vực đang rậm rịch xây dựng thủy điện Xayaburi. Ảnh: ThienNhien.Net

Chốt gác này nằm ở bản Talan nghiêm cấm không cho người lạ vào bên trong. Ảnh: ThienNhien.Net

Tuy chỉ dành một ít thời gian ở nơi công trường nhưng chúng tôi cũng đã cảm nhận được sự hối hả trong công tác xây dựng của đơn vị thi công bởi lượng xe ra vào rất đông đúc, liên tục và có sự góp mặt của rất nhiều công nhân người Thái Lan. Không biết có phải vì chúng tôi lạ hay là biết chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nên họ rất dè chừng và luôn dõi theo mọi hành động của đoàn.

Vì lý do an toàn chúng tôi nhanh chóng ghi lại một số hình ảnh tại đây và quay ra trước ánh mắt dò xét của nhiều người. Vậy là mong muốn được chứng kiến những gì đang diễn ra bên trong chốt chặn này và theo đó đến địa điểm xây dựng đập đã không thành hiện thực. Giờ chỉ còn một cách duy nhất nhưng rất nguy hiểm là thuê thuyền đi trên sông Mê Kông thì may ra còn có cơ hội.

Thế là trên đường quay về thủ phủ của tỉnh Xayaburi, đoàn chúng tôi đã vạch sẵn một kế hoạch “đột nhập” công trường – nơi dự kiến xây đập ngăn dòng Mê Kông làm thủy điện trong nay mai bằng đường thủy.

Chúng tôi thuê một chiếc thuyền cao tốc của người dân địa phương và khi trời nhá nhem tối, những ánh đèn lay lắt đỏ hoe từ những ngôi làng ven sông dần hiện lên, soi mình xuống mặt nước lấp lánh cũng là lúc chúng tôi tới gần địa điểm đơn vị thi công dự kiến sẽ ngăn dòng chính Mê Kông để làm thủy điện.

Đi thuyền dưới sông xuôi theo dòng nước song song với con đường mới mở ấy khoảng chục cây số, cách bến phà nơi xuất phát khoảng 30 km đường sông, chúng tôi thấy phía trước một công trường lớn, nơi người lái thuyền cho chúng tôi cập bờ. Vậy là sau 40 phút vượt sông, đoàn đã tiếp cận được khu vực dự định xây đập thủy điện.

Trước mắt chúng tôi, ven sông là một con đường mới được mở. Con đường này do nhà đầu tư Thái Lan xây dựng để vận chuyển phương tiện, máy móc thiết bị vào làm thủy điện. Đường tuy mới mở nhưng xe cộ đi lại rất đông. Hai bên đường có nhiều máy móc, lán trại.

Cuối giờ chiều, trời bắt đầu tối nên công nhân đã nghỉ và máy móc không hoạt động, khung cảnh khá yên bình. Để làm được con đường dẫn này, rất nhiều đất đá đã được san ủi xuống dòng Mê Kông. Dọc con đường đó là hệ thống cột điện vắt từ bên kia dãy núi sang đang hoàn thành nhưng chưa được chăng dây.

Trên một đoạn đường dài khoảng 1km tại trung tâm bản Ta lan tập trung hàng trăm xe ô tô các loại. Ảnh: ThienNhien.Net

Tại địa điểm xây đập, có một con suối nhỏ chảy từ phía trong núi. Sát bờ sông là một bãi bồi rộng ngổn ngang đất đá cao hơn mặt sông hiện tại khoảng 1 – 2 mét, giữa bãi bồi rộng mênh mông, đơn vị thi công đã dùng máy đào một rãnh sâu như một con kênh lớn hướng vuông góc với Mê Kông. Đất đá được đắp lên hai bên bờ tạo nên hai con “đê” cao tới 3 mét dài khoảng 50 mét. Cả một bãi bồi rộng vài nghìn mét vuông rất nhiều đống đất đã được đổ trông như một khu đô thị đang trong quá trình thi công mặt bằng.

Theo người lái thuyền, doi đất mà các đơn vị thi công đắp lên là để chuẩn bị làm đường vận chuyển sắt thép sang bên kia sông, vừa làm cột điện, vừa để xây dựng, và nơi chúng tôi đang đứng là bản Pakneun. Ngay cạnh chỗ đó, phía trên đồi là một công trường lớn, có máy móc, ô tô và con người đang đi lại.

Con đường mới mở và hệ thống cột điện chưa được chăng dây khi đi thuyền trên sông Mê Kông có thể nhìn thấy. Ảnh: ThienNhien.Net
Một công trường lớn đang hình thành ven dòng Mê Kông. Ảnh: ThienNhien.Net
Phải chăng công trình thủy điện Xayaburi vẫn đang được xây dựng?. Ảnh: ThienNhien.Net
Hai doi đất này được hình thành khi một con mương lớn được xây dựng giữa bãi bồi ven sông Mê Kông. Ảnh: ThienNhien.Net
Bãi bồi ven sông đã được đổ đất đá nhìn từ xa như một công trường đang được giải phóng mặt bằng. Ảnh: ThienNhien.Net

Vừa kịp ghi lại một số hình ảnh về nơi dự định ngăn dòng Mê Kông thì trời đã tối hẳn, trên sông nhiều con thuyền tăng tốc về nhà ở các bản vùng ven. Chúng tôi cũng nhanh chóng lên thuyền trở về bến phà, con thuyền lao nhanh vào màn đêm u tịch. Trước mắt chúng tôi là bao ghềnh đá xoáy nước hiểm nguy mà xuôi dòng đã thấy vô cùng khó khăn.

Dẫu sao chúng tôi cũng đã đến được nơi dự định xây đập để tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra nơi đây, nơi mà theo những gì chúng tôi được nghe trước đó thì các bạn Lào vẫn đang rậm rịch chuẩn bị xây đập. Và quả thật điều chúng tôi thấy không khác những gì đã được nghe!