Nguy cơ thủy điện Mê Kông – Kỳ I

Kỳ I: Thấy gì qua mùa lũ thấp kỷ lục?

ThienNhien.Net – Dẫu biết rằng, mỗi quốc gia có quyền quyết định riêng trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, với một dòng sông chung như Mê Kông, chỉ cần vài quyết định sai lầm, có thể gây hậu quả khôn lường đối với nhiều quốc gia trong lưu vực. Cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào con sông này dù không thể buộc dừng các dự án thủy điện trên dòng sông nhưng có quyền yêu cầu Chính phủ các nước lắng nghe ý kiến của họ, có khảo sát đầy đủ yếu tố thiệt hại trước khi triển khai các công trình.

Mùa lũ năm 2015 coi như đã kết thúc, mà đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn cách báo động I đến gần cả mét – mức thấp kỷ lục trong cả trăm năm qua. Đó là minh chứng rõ nhất cho những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, gồm tác động từ các đập thủy điện mà Trung Quốc đã xây dựng trên sông Lancang (nơi đổ nước vào đầu nguồn sông Mê Kông) và một số đập mà Lào đã xây dựng.

Liên tục thua lỗ

Nhìn vào con nước “quay” từ đầu mùa, ông Nguyễn Hữu Hải, người chuyên khai thác đáy ở ấp Vĩnh Hội (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú), đã đoán được năm nay lũ nhỏ nhưng ông lại không ngờ lại nhỏ đến khó tin. “Ở vùng đầu nguồn lũ như An Phú mà nhiều nơi nước không lên nổi trên đồng. Lượng cá theo đó cũng sụt giảm gần 2/3 sản lượng so với năm trước” – ông Hải ngán ngẫm.

Liên tiếp những năm gần đây, dân đầu nguồn mong ngóng lũ nhưng đành thất vọng. Mùa lũ năm 2014, ông Hải đấu thầu khai thác đáy Văn Hai, bị lỗ khoảng 60 triệu đồng. Năm nay, ông quyết định gỡ gạc bằng cách khai thác đáy ở trung tâm ấp Vĩnh Hội – giang đáy loại nhất nổi tiếng khắp vùng An Phú. “Dù biết giang này có nhiều cá hơn các giang khác do nằm ngay đoạn đầu nguồn sông Châu Đốc (một nhánh sông Hậu) nhưng khi chính quyền địa phương đưa ra giá khởi điểm 600 triệu đồng, tôi cũng như nhiều người khác không dám tham gia. Khi giá được hạ xuống 2 lần, tôi mới đầu thầu và trúng thầu khai thác giá 351,5 triệu đồng. Với giang này, tôi đóng được 2 đáy. Tưởng năm nay kiếm ăn được, không ngờ suốt mấy tháng bỏ công ra khai thác, tính lại bị lỗ từ 170 – 200 triệu đồng” – ông Hải than.

Cá chạy đáy sụt giảm hơn 50% sản lượng
Cá chạy đáy sụt giảm hơn 50% sản lượng

Nếu như mọi năm, đến thời điểm tháng 11 vẫn còn cơ hội khai thác thêm vài đợt vét cá trên đồng xuống thì năm nay coi như hết cá. “Thời gian khai thác đáy theo quy định từ ngày 9-9-2015 đến 1-1-2016 nhưng thời điểm này, nước trên đồng khô cạn, nhiều nơi người ta đã sạ lúa đông xuân luôn, làm gì còn cá. Trong những năm theo nghề đóng đáy, năm nay có thể coi là thất bại nhất” – ông Hải thất vọng. Không riêng gì ông, nhiều chủ khai thác đáy khác cũng có chung hoàn cảnh.

Đời sống gặp khó

“Từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa thấy năm nào lũ nhỏ như năm nay. Theo lời các cụ già, mùa lũ dù nhỏ đến mấy thì con đường ở 2 ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An cũng đều bị ngập nhưng năm nay thì khô ráo hoàn toàn. Lũ nhỏ, khoảng 40% trong số 300 hộ dân sống lệ thuộc vào mùa nước nổi đã bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều người dân chuyên nghề câu, lưới, lờ, lọp, nhổ bông súng… không có việc làm, phải lên Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Những hộ chuyên lên Campuchia mua đồng khai thác cá năm nay cũng thất nghiệp bởi đồng Campuchia cũng khô cạn, không có cá. Đối với 4 giang khai thác đáy trên địa bàn xã, phải dời thời gian đấu thầu vài lần và giảm giá đấu thầu xuống 50% mới có người khai thác. Tuy nhiên, do sản lượng cá cũng sụt giảm hơn 50% nên dân đóng đáy cũng gặp khó khăn” – ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, thông tin.

Người sống lệ thuộc vào nghề “bà cậu” thiệt hại đã đành, dân canh tác lúa cũng chẳng lấy gì vui. “Nước không lên đồng nên đất ruộng không được rửa sạch độc tố, lúa chét, rơm chưa phân hủy khiến chi phí cày, xới, phơi đất, phun thuốc diệt cỏ tăng thêm khoảng 200.000 đồng/công so vụ đông xuân năm trước. Bên cạnh đó, các loại dịch hại như chuột, ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu cuốn lá, dịch bệnh trên cây lúa cũng có khả năng gây hại nặng, ảnh hưởng đến năng suất vụ đông xuân tới” – ông Tùng nhận định.

Nếu như trước đây, những trận lũ lớn hay thường gọi “đại hồng thủy” luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân miền sông nước, còn bây giờ, lũ nhỏ hay “đói lũ” mới đáng lo hơn.

“Tôi không hiểu hết nguyên nhân vì sao nhưng tình trạng lũ nhỏ liên tục, nhất là con nước thấp như năm nay rõ ràng là hiện tượng bất thường. Tôi nghe nói các nước như Lào, Campuchia có kế hoạch chặn dòng Mê Kông để xây dựng thêm nhiều đập thủy điện. Điều này thật sự rất đáng lo” – ông Nguyễn Hữu Hải chia sẻ.