Lào đơn phương khởi động dự án Xayaburi

ThienNhien.Net – Thông cáo mới nhất từ Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) cho biết, công việc xây dựng đập Xayaburi đang được xúc tiến, bất chấp tuyên bố trước đó từ Chính phủ Lào về việc tạm hoãn dự án này.

Theo IR, chuyến đi thực tế tới khu vực đề xuất xây đập Xayaburi cuối tháng 7 vừa qua đã chứng kiến một công trường xây dựng hoạt động khẩn trương gần làng Ban Talan của Lào với ít nhất vài trăm công nhân. Một số khu vực xung quanh đã được giải tỏa và con đường dẫn tới địa điểm dự kiến xây đập đang được thi công.

“Chính phủ Lào đang đơn phương triển khai xây đập Xayaburi, vi phạm luật pháp quốc tế và các cam kết của Hiệp định Mê Kông năm 1995. Với động thái này, Lào đã không coi trọng cam kết khu vực của mình và tước đoạt tương lai của hàng triệu người có nguồn sinh kế và an ninh lương thực dựa vào con sông này”, bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế bình luận về sự kiện này.

Đây là một động thái không được mong đợi của Lào, song dường như nó cũng không gây ra một sự ngạc nhiên đáng kể nào từ dư luận trong khu vực. Bởi lẽ, ngay từ tháng 4/2011 hoạt động xây dựng tại khu vực dự án Xayaburi đã được tờ Bangkok Post của Thái Lan phát giác. Thêm nữa, trong một bức thư đề ngày 8/6/2011 bị rò rỉ từ Bộ Năng lượng và Khoáng sản Lào gửi tới Công ty TNHH Xayaburi, Bộ này đã xác nhận rằng: Hiệp định Mê Kông 1995 được thực hiện theo đúng tinh thần hợp tác và phối hợp giữa tất cả các bên liên quan; và rằng “công tác tham vấn trước của dự án Xayaburi hiện đã hoàn tất và quy trình tham vấn trước (PNPCA) đã kết thúc ở cấp Ủy ban Liên hợp Ủy hội Sông Mê Kông (MRC)”.

Tuyên bố này cũng được đoàn đại biểu của Lào khẳng định lại tại phiên họp không chính thức các nhà tài trợ MRC ngày 24/6/2011 tại Phnom Penh, Campuchia. Khi ấy, mặc dù Đoàn đại biểu Lào không tuyên bố là dự án sẽ tiếp tục được xây dựng, song dư luận đều cho rằng phát biểu của Lào là một bước dọn đường cho việc xây dựng con đập này.

Liên quan tới tuyên bố trên của Lào, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế mới đây đã gửi tới MRC và các chính phủ trong lưu vực một văn bản đánh giá quy trình PNPCA dự án Xayaburi từ góc độ pháp lý do công ty luật Perkins Coie của Mỹ thực hiện. Văn bản này khẳng định, việc Chính phủ Lào đơn phương kết thúc sớm quá trình PNPCA và không để các quốc gia láng giềng đưa ra kết luận về quá trình này một cách cẩn trọng đã vi phạm Hiệp ước Mê Kông và vì vậy cũng vi phạm luật pháp quốc tế. Trong khi đó, “Hiệp định Mê Kông không cho phép bất cứ quyết định đơn phương nào đe dọa sự cân bằng sinh thái của dòng sông hoặc tác động đến nhu cầu thiết yếu của những người sống dựa vào con sông này”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, chưa đầy hai tuần trước Chính phủ Lào đã xác nhận với một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Châu Á – ông Kurt Campbell,  rằng quyết định đình hoãn xây đập sẽ vẫn được duy trì và điều này đã được Ngoại trưởng Hillary Clinton của Mỹ hoan nghênh như một bước tiến.

Song, thực tế là hiện con đập Xayaburi đang được triển khai trong khi các bước tiếp theo của quá trình ra quyết định và phương án khắc phục các lỗ hổng kiến thức mà bản Đánh giá kỹ thuật về dự án của MRC đã vạch ra vẫn chưa rõ ràng.

Khu vực đập Xayaburi đang được thi công. (Ảnh: International Rivers)

Động thái đơn phương xây đập của Lào là rất đáng lo ngại khi dự án Xayaburi hiện đang được coi là mối đe dọa lớn nhất mà con sông Mê Kông và người dân trên lưu vực đang phải đối mặt. Theo đánh giá, dự án sẽ buộc 2.100 người phải di cư, tác động trực tiếp tới hơn 202. 000 người, đe dọa tuyệt chủng khoảng 41 loài cá và có nguy cơ chặn đường di cư của 23 đến 100 loài cá. Đặc biệt, những thay đổi này sẽ tác động tới nguồn sống của hàng triệu người trong khu vực.

Hơn nữa, dự án được triển khai trong bối cảnh được các chuyên gia về an ninh nguồn nước đánh giá là đang có một cuộc chạy đua phát triển thủy điện của các quốc gia lưu vực Mê Kông và điều này có thể dẫn đến các xung đột, thậm chí là chiến tranh về nguồn nước.

Cảnh báo trên được đưa ra tại cuộc hội thảo hồi trung tuần tháng 7 của Ủy ban Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) tại Siem Reap (Campuchia) với sự tham gia của các quan chức chính phủ cùng các chuyên gia Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, theo nguồn tin từ VOA.

“Các cuộc xung đột giành nguồn nước sẽ xảy ra bởi vì người dân sống dọc sông Mê Kông buộc phải di cư do xây đập, trở thành những người tị nạn vì đập thủy điện. Điều này sẽ gây ra một số tác động xã hội, đặc biệt đối với người nghèo và những người ở bên lề xã hội”, Seungho Lee, một chuyên gia về nguồn nước của Đại học Hàn Quốc phát biểu.

Kể từ cuối những năm 1980, các quốc gia lưu vực Mê Kông, đặc biệt là Trung Quốc đã coi thủy điện là nguồn năng lượng chính cung cấp cho nhu cầu năng lượng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Ông Lee cho biết dự kiến tới năm 2015 sẽ có tới 41 đập lớn trên dòng chính Mê Kông và các chi lưu của nó, con số này sẽ tăng lên 71 vào năm 2030.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng sẽ có những cuộc xung đột lan rộng hoặc trong tình huống tồi tệ nhất, là chiến tranh về quản lý nguồn nước, bởi vì hiện chúng ta đang phải đối mặt với cả nguy cơ về an ninh và kinh tế trong khu vực”, Chheang Vannarith, giám đốc điều hành Viện Hợp tác và Hòa bình của Campuchia, một thành viên CSCAP bày tỏ.

Tuy nhiên, bất chấp những quan ngại của dư luận quốc tế, bất chấp lời đề nghị nghiên cứu và tham vấn sâu hơn về dự án này của cả 3 nước hạ lưu, bất chấp những tác động không thể tránh khỏi tới nguồn sống của người dân trên lưu vực Mê Kông, chính phủ Lào dường như không thể đợi đến cái hẹn mà chính Lào và ba thành viên còn lại của MRC đã thống nhất hồi tháng 4/2011, rằng quyết định cuối cùng về con đập sẽ được đưa lên xem xét ở cấp bộ trưởng.

Bạch Dương