Tây Nguyên: Sông bị biến dạng vì “cát tặc” lộng hành

ThienNhien.Net – Nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao cộng thêm việc quản lý hoạt động khai thác cát bị buông lỏng khiến nhiều dòng sông lớn ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng, nước sông lấn vào bờ khá sâu, gây sạt lở hàng trăm ha hoa màu, có đoạn lở rộng hơn 100m và xoáy xuống lòng sông cả chục mét.

Loạn cơ sở khai thác chui

Kiểm tra các tuyến sông chính chảy qua địa bàn, đặc biệt là sông Đăk Bla, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum phát hiện hàng chục cơ sở khai thác cát lậu. Trong tổng số gần 40 cơ sở đang hoạt động, hiện chỉ có 2 cơ sở ở huyện Kon Plông và Kon Rẫy là có phép, còn lại đều khai thác chui.

Theo lời một cán bộ Sở TN&MT Kon Tum, từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã xử phạt không ít cơ sở khai thác cát trái phép với tổng số tiền phạt lên tới hơn 160 triệu đồng. Nhiều máy móc, phương tiện khai thác cũng bị tịch thu. Tuy nhiên, nguồn lợi từ khai thác cát không hề nhỏ nên ngày càng nhiều cơ sở khai thác trái phép mọc lên, thậm chí các chủ khai thác chấp nhận phương án chịu phạt chứ nhất định không chịu ngừng hút cát.

Không chỉ riêng Kon Tum, nạn khai thác cát lậu còn diễn ra rầm rộ dọc sông Ba và sông Sê San, đoạn qua tỉnh Gia Lai từ nhiều năm nay. Theo các hộ dân sinh sống dọc sông Ba tại thị xã An Khê, việc khai thác cát diễn ra ồ ạt với quy mô như đại công trường nhưng thường chỉ kéo dài từ 10 – 15 ngày rồi chuyển sang địa điểm khác nhằm che mắt lực lượng chức năng. Bình quân mỗi ngày có đến hàng chục xe tải vận chuyển cát rầm rập qua thị xã, ảnh hưởng đến đời sống bà con. Đó là chưa kể nỗi lo khi mùa mưa tới kết hợp với việc nước sông xoáy sâu vào bờ khiến hàng chục ha đất canh tác của bà con liên tục bị sạt lở.

Cùng chung cảnh ngộ với bà con ở thị xã An Khê, người dân sống dọc sông Krông Ana, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk cũng bị “cát tặc” khuấy đảo ngót nghét hơn chục năm. Mỗi ngày có tới 15 – 20 tàu cùng tham gia nạo vét, nước sông trở nên đục ngàu, lòng sông bị khoét sâu, cộng thêm tiếng máy móc, xe tải gầm rú cả ngày lẫn đêm, khiến cuộc sống của bà con trở nên căng thẳng.

Tàu khai thác cát lậu dọc sông Krông Ana gây sạt lở đất canh tác của bà con xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk

Điều đáng chú ý là trong số hàng chục tàu khai thác cát lậu nói trên cũng có không ít tàu do chính người dân địa phương làm chủ sở hữu. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có khoảng 30-40 hộ sống trên địa bàn tự ý góp vốn chung với nhau nhằm sắm tàu và các phương tiện, máy móc khai thác, trong đó có tới 13 tàu có công suất hàng chục tấn không qua đăng ký, đăng kiểm. Trung bình, các tàu hút tới 500- 600 m3 cát mỗi ngày so với các đơn vị được cấp phép chỉ hút được 100 – 150 m3 cát/ngày.

Đất, nước và người cùng bị ảnh hưởng

Theo ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch xã Cư Kty, huyện  Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk, diện tích đất sạt lở do khai thác cát trên địa bàn chưa thể thống kê hết nhưng áng chừng ở mức 80 – 120 ha. Do nạn khai thác cát trái phép diễn ra liên tục và kéo dài nên mỗi mùa mưa lũ, nhiều diện tích đất vườn và cả nhà ở của người dân cũng bị sạt lở theo.

Không chỉ mất đất oan, nhiều hộ dân còn bất bình và bức xúc vì nguồn nước sinh hoạt ngày càng bị ô nhiễm do nạn hút cát lậu. Anh Đinh Doãn Nam ở thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền, huyên Krông Bông chia sẻ, giếng nước nhà anh vài năm nay đã không còn sử dụng được do luôn trong tình trạng đục ngàu, nổi váng vàng và bốc mùi hôi tanh. Mỗi khi sử dụng, dù đã qua xử lý bể lọc nhưng các con anh vẫn bị đau mắt đỏ, da nổi mẩn ngứa. Nhiều hộ lân cận cũng chịu chung số phận nên đành cất công bỏ tiền mua nước về dùng.

Trong vai trò là nhà quản lý, Phòng tài nguyên môi trường thị xã An Khê, Gia Lai cũng thừa nhận, thực trạng khai thác cát trái phép đang làm đau đầu các cơ quan chức năng nhưng để giải quyết triệt để thì cũng khó lòng thực hiện. Khi phát hiện sai phạm, đơn vị chỉ có thể xử phạt, tịch thu phương tiện nhưng thời gian sau thì đâu lại vào đó, sai phạm vẫn hoàn sai phạm.

Ông Nguyễn Văn Thiêm, Trưởng phòng khoáng sản Sở TN&MT tỉnh Đăk Lăk cho biết thêm, không chỉ thường xuyên kiểm tra, sở còn phối hợp cùng các ban ngành vận động các hộ dân gia nhập vào doanh nghiệp khai thác cát, song hầu hết đều từ chối vì từ xưa họ đã quen với cách làm ăn tự do, nay vào doanh nghiệp thì phải nộp thuế. Việc xử phạt và tịch thu phương tiện cũng gặp không ít khó khăn do thu tàu mà không có chỗ giữ, không có người quản lý, để mất hoặc hư hại thì sẽ bị dân kiện.

Bài toán diệt trừ nạn cát lậu vì thế xem ra vẫn còn là thách thức nan giải!