Thuốc tránh thai và những tác động môi trường không mong đợi

ThienNhien.Net – Vài năm trước, các nhà khoa học ở Đại học Idaho đã phát hiện ra rằng các loại thuốc tránh thai không những hạn chế dân số loài người mà còn có thể gây suy giảm số lượng cá hồi. Giờ đây họ đã có thể lý giải điều đó.

Giáo sư sinh học James Nagler cùng các đồng nghiệp Kim Brown, Joe Cloud – Đại học Idaho và Irvin Schultz – Phòng thí nghiệm quốc gia Battelle Pacific Northwest đã khám phá ra rằng 17α-ethynylestradiol, một loại chất estrogen tổng hợp trong thuốc tránh thai, đã gây ra một số nhiễm sắc thể dị thường trong tế bào cá hồi.

Bệnh lý đó giống như tính bội không chỉnh, thường được tìm thấy trong các tế bào ung thư, và các tế bào gây hội chứng Down ở người. Đó có thể cũng là lý do giải thích tại sao nhiều phôi thai cá hồi do cá thể nhiễm 17α-ethynylestradiol sản sinh thường chết trong vòng 3 tuần.

Kết quả nghiên cứu này đã được Phòng thí nghiệm Khoa học Biển công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Nhà sinh học Nagler cho biết: “Điểm mấu chốt là tính bội không chỉnh này rất dị thường và có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Tôi tin rằng hóa chất này đã gây ra mức độ tính bội không chỉnh cao ở tinh dịch, nguyên nhân làm giảm đáng kể tỷ lệ sống sót của các phôi thai nhiễm hóa chất.

Nagler đã cho cá hồi đực tiếp xúc với hoá chất trong thuốc tránh thai và xét nghiệm mức độ nhiễm sắc thể dị thường trong tinh dịch của chúng. Sau đó, ông cho trứng của một con cái không nhiễm hóa chất thụ tinh với tinh dịch bị ảnh hưởng hóa chất và so sánh kết quả sống sót của cá con với nhóm không tiếp xúc với chất tổng hợp estrogen trong thuốc tránh thai.

Kết quả cho thấy trong khi cá con do cá bố mẹ khoẻ mạnh sinh ra có tỷ lệ sống trong 3 tuần tới 95% thì chỉ có 40% đến 60% cá hồi được thụ thai bằng tinh dịch nhiễm hóa chất có thể sống sót. Ngoài ra, mức độ nhiễm sắc thể dị thường còn tiếp tục ảnh hưởng tới một số cá hồi con.

Hóa chất 17α-ethynylestradiol trong thuốc tránh thai được thải ra môi trường qua đường tiểu của người sử dụng. Việc dùng thực vật để xử lý chất thải hóa chất này là rất khó, mà cũng rất ít cây trồng có thể loại bỏ chất này trước khi nước bốc hơi trở lại môi trường.

Nagler nhấn mạnh: “Hàm lượng hóa chất 17α-ethynylestradiol trong nước mà chúng tôi thử nghiệm không phải là phổ biến ở mọi nơi, song rõ ràng là nhiều nơi trên thế giới có nồng độ hóa chất trong nước nếu không nhiều hơn thì cũng gần đạt tới nồng độ mà chúng tôi đã thử nghịêm.

Ngoài 17α-ethynylestradiol, mỗi ngày môi trường cũng tiếp nhận nhiều hợp chất estrogen khác. Các hóa chất này có trong thành phần của nhiều loại thuốc, từ thuốc tẩy tới thuốc trừ sâu. Chúng gây ra nhiều vấn đề hơn là các nhiễm sắc thể dị thường. Ví dụ, thuốc trừ sâu DDT, một loại estrogen yếu có thể làm trứng đại bàng mỏng và dễ vỡ, nguyên nhân gây suy giảm số lượng đại bàng giữa những năm 1900.

Mặc dù chưa thể kết luận ngay rằng những hợp chất này là nguyên nhân chính gây ra sự giảm sút số lượng ở loài cá hồi, bởi đó là một vấn đề phức tạp và còn rất nhiều yếu tố liên quan khác. Song rõ ràng, kết quả nghiên cứu của giáo sư Nagler đã đặt ra nhiều câu hỏi về nồng độ estrogen tổng hợp trong nước bề mặt và tác động của chúng tới động vật và con người.