Trách nhiệm thuộc về ai khi môi trường bị ô nhiễm?

ThienNhien.Net – Hàng loạt các vụ gây ô nhiễm môi trường được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua. Đó chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các ngành chức năng về vấn đề quản lý, giám sát và thực thi luật bảo vệ môi trường ở nước ta.

Xử phạt hành chính là biện pháp duy nhất


Sự việc có thể coi là tiểu Vedan trước đây là nhà máy chế biến tinh bột sắn Veyu tại thị xã An Khê -Gia Lai. Hoạt động từ năm 1994 đến nay, nhà máy này không ngừng đầu độc sông Ba. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Gia Lai, trong suốt quá trình hoạt động, Veyu liên tục gây ô nhiễm môi trường và cũng đã bị UBND tỉnh Gia Lai xử phạt nhiều lần.

Lần gần đây nhất là vào ngày 30/06/2008, với mức tiền phạt là 13 triệu đồng… 13 triệu đồng cho hàng loạt các hành vi sai phạm như: không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý khí thải; thực hiện chương trình giám sát môi trường không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đã phê duyệt. Không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải lập hồ sơ, đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên.. Đến vi phạm nghiêm trọng như Vedan cũng chỉ bị phạt 23 triệu đồng với 4 lần vi phạm trước đây.

Biện pháp xử phạt hành chính như chúng ta đã và đang làm được coi là quá nhẹ . Nhưng khi bị phạt về các hành vi gây ô nhiễm thì các đối tượng này cũng không chịu nộp phạt, các cơ quan chức năng cũng không có biện pháp nào để buộc họ thực hiện. Theo Thanh tra Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh từ năm năm 2003 – 2008, tổng số tiền mà thanh tra đã phạt các đơn vị gây ô nhiễm là 5,3 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ có 52% DN nộp phạt với số tiền 2,8 tỉ đồng. Để cưỡng chế tiền phạt đối với các DN gây ô nhiễm, từ tháng 10-2004, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước TP khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng đối với những DN cố tình không nộp. Nhưng đến nay các đơn vị này vẫn không chấp hành.

Các vụ việc đều phải có C36 vào cuộc

Không những Vedan, Miwon mà cả vụ xả thải trái phép của Công ty Cổ phần thuộc da Hào Dương và hàng lọat các vụ việc trong thời gian qua cũng phải đợi đến lực lượng cảnh sát môi trường. Sáng 11/10/2008 Cục cảnh sát môi trường phát hiện Công ty Hào Dương có tổng cộng 5 ống xả nước thải được dẫn thẳng ra sông Đông Điền; trong đó chỉ có 1 ống xả được xử lý sục khí qua loa nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra; 4 ống còn lại chứa đầy nước thải đen đặc, hôi thối ào ạt tuồn ra sông. Mỗi ngày doanh nghiệp này thải đến 2500 m3 nước thải không qua xử lý ra môi trường.

Kết quả kiểm tra nước thải của Hào Dương công bố vào ngày 22/10/2008 cho thấy hàm lượng sunfua vượt 2.740 lần, chỉ tiêu BOD5 vượt 762 lần, chỉ tiêu COD vượt 687,5 lần, dầu động thực vật vượt 500 lần, tổng cặn lơ lửng Tss vượt 356 lần tiêu chuẩn cho phép…”. Một thông số quan trọng là hàm lượng Crôm trong nước thải, đặc trưng của ngành thuộc da không được các cơ quan này làm rõ, đây là chất có độc tính cao đối với con người và vật nuôi, cũng là hậu quả chính mà chúng ta phải gánh chịu khi doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Quyết định của Thủ tướng cũng bị phớt lờ

Ngay cả các cơ sở đã được Thủ tướng chỉ đích danh, yêu cầu xử lý từ năm 2003 – 2006. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” trên cả nước. Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 9 cơ sở gây ô nhiễm nặng nhưng đến nay mới chỉ có 2 cơ sở khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm, còn 7 đơn vị đó là: Công ty cổ phần Dệt May Huế; Chợ Đông Ba; Công ty cổ phần Long Thọ; làng nghề sản xuất vôi hàu ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc); làng nghề đúc đồng phường Đúc và xã Thủy Xuân, làng nghề tinh bột sắn xã Thủy Dương (Hương Thủy) và xã Lộc Bổn (Phú Lộc) và làng nghề sản xuất gạch ngói xã Hương Vinh, Hương Toàn (Hương Trà).

Qua đây có thể thấy rằng, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động như hiện nay dư luận đang đặt câu hỏi các cơ quan chức năng đã làm gì trong suốt thời gian qua? Nếu như Cục cảnh sát môi trường (C36) chưa vào cuộc thì không biết những vụ việc như Vedan, Hào Dương, Miwon bao giờ mới được đưa ra ánh sáng.

Do vậy, ngoài việc xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm thông qua phạt nặng về kinh tế, đóng cửa nhà máy, xí nghiệp, chúng ta cần có những quy định như chỉ cho niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoáng khi thực thi đúng luật môi trường, vay vốn ngân hàng khi đã có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, đồng thời có những hình thức xử lý thích đáng đối với các cá nhân và đơn vị quản lý không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu không làm được điều này thì môi trường của chúng ta sẽ bị hủy hoại mà nguyên nhân là do sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng.