Bất cập ở dự án thủy điện Hạ Se San 2

ThienNhien.Net – Ngoài tình trạng tái định cư không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, thì tình trạng lợi dụng tận thu gỗ vùng lòng hồ để khai thác gỗ trái phép và bệnh dịch do ô nhiễm nguồn nước là những vấn đề còn tồn tại ở Thủy điện Se San 2, dự án có kinh phí 800 triệu USD ở tỉnh Stung Treng, Đông Bắc Campuchia.

Những đứa trẻ chơi đùa trên sông Mê Kông, nơi thủy điện Hạ Sê San đang được tiến hành xây dựng (Ảnh: Pha Lina/phnompenhpost.com)
Những đứa trẻ chơi đùa trên sông Mê Kông, nơi thủy điện Hạ Sê San đang được tiến hành xây dựng (Ảnh: Pha Lina/phnompenhpost.com)

Khai thác gỗ bất hợp pháp vùng lòng hồ

Những người dân phải di dời để xây dựng đập thủy điện Hạ Se San 2 đang yêu cầu phân định rõ ranh giới vùng hồ để ngăn chặn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp đang diễn ra tràn lan ở khu vực này. Việc ký kết các hợp đồng giải phóng vùng lòng hồ chứa bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng quy mô lớn của khu rừng được bảo vệ.

Các cáo buộc lạm dụng hợp đồng khai thác gỗ buộc Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phải ban hành một văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp Campuchia yêu cầu dừng khai thác gỗ đến khi một cuộc khảo sát khu vực này được thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp hiện chưa có động thái phản hồi yêu cầu này. Hiện tại cũng không có có thông tin chính xác nào về thời điểm hoàn thành việc phân định ranh giới hồ chứa.

Trong khi đó, ông Ith Praing, thư ký Bộ Năng lượng và Mỏ khẳng định không có bất kỳ hoạt động khai thác gỗ trái phép nào bên ngoài khu vực hồ chứa. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh mục đích của dự án là để phát triển khu vực từ đó người dân Campuchia có thể được hưởng lợi.

Một phụ nữ gánh nước sông về sử dụng (Ảnh: Pha Lina/phnompenhpost.com)
Một phụ nữ gánh nước sông về sử dụng (Ảnh: Pha Lina/phnompenhpost.com)

Dịch bệnh tràn lan

Ngoài vấn đề nêu trên, mới đây, người dân sống ở hạ lưu thủy điện Hạ Se San 2 phản ánh họ mắc phải một chứng bệnh bất thường về da khi nhiều đốm đen lớn xuất hiện trên cơ thể họ. Nguyên nhân căn bệnh này được cho là do công ty xây dựng đập xả nước thải vào dòng sông mà họ thường tắm.

Tập đoàn Royal, cổ đông lớn của Công ty Thủy điện Hạ Se San 2, phủ nhận cáo buộc này. Trong khi đó, người dân ngôi làng Plok, ngôi làng cách dự án vài cây số về phía hạ lưu, cho biết hồi đầu năm nay, họ thấy công nhân công ty thủy điện sử dụng chất nổ gần bờ sông và lắp đường ống xả chất thải vào nước sông.

Ông Thor Mai, một người dân địa phương cho biết khoảng một nửa trong số 900 người dân của làng bị ngứa khi lội nước một vài lần vào thời điểm nước nóng và cạn. Căn bệnh này làm xuất hiện nhiều đốm đen trên khắp cơ thể và những đốm đen này rất ngứa, làm họ mất ăn mất ngủ.

Ông Um Bun Reth, đại diện Tập đoàn Royal, phủ nhận việc các hoạt động xây dựng thủy điện ảnh hưởng sức khỏe của người dân, và nhấn mạnh rằng vị trí xây dựng cách sông 3 tới 4 km.

Còn ông Meach Mean, điều phối viên Mạng lưới Bảo vệ các dòng sông 3S Rivers chia sẻ ông đã nghe về tình trạng này cách đây khoảng một năm. Và, nhiều người nghi ngờ rằng nguyên nhân ngư dân địa phương mắc bệnh là do nước thải từ công trường xây dựng thủy điện Hạ Se San 2 được xả xuống sông.