Thủy điện – hiểm họa sinh thái đối với sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Tác động của đập thủy điện đối với hệ sinh thái sông, đồng bằng châu thổ và sự di cư của cá” do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp cùng Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VNR) và Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức trong hai ngày 12 – 13/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về tác động của đập thủy điện đến địa mạo của một con sông, GS. Jean Paul Bravard (Đại học Lyon, Pháp) khẳng định, dòng sông là một dây chuyền vận chuyển trầm tích từ thượng nguồn về hạ nguồn, trong đó các hồ chứa trên thượng nguồn sẽ giữ lại trầm tích đáy khiến dòng nước ở hạ lưu trở thành nguồn nước “đói” phù sa. Hệ quả của tình trạng này gây xói mòn lòng sông, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của đồng bằng châu thổ cũng như hệ sinh thái ven sông và sản xuất nông nghiệp.

Sông Mê Kông (Ảnh: ThienNhien.Net)

GS. Bravard khuyến cáo 12 đập thủy điện lớn đang được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông cần chú ý đến vấn đề vận chuyển trầm tích qua đập.

Tiếp tục thảo luận về tác động tiêu cực của việc xây đập ảnh hưởng tới luồng cá di cư, GS. Paolo dos Satntos Pompeu (Đại học liên bang của Lavras, Brazil) và TS John Williams (nhà nghiên cứu sinh vật học, Mỹ) cũng cho rằng, hiện nay hầu hết các công trình thủy điện ở dòng chính Mê Kông đều không có đường thiết kế cho cá di cư.

Các nước trong khu vực cũng chưa có công trình nào nghiên cứu về tập tính di cư của các loài cá nên số ít những công trình có đường di cư cho cá đều thất bại.

Việc xây dựng các con đập cao sẽ tạo thành bức tường thành chặn đứng cá di cư lên thượng nguồn sinh sản và các tua-bin cũng như dòng chảy xiết là thủ phạm giết chết cá bột từ thượng nguồn xuống vùng hạ lưu tìm kiếm thức ăn.

Nếu không có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này thì gần 1000 loài cá ở Mê Kông sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm trầm trọng, ảnh hưởng tới sản xuất ngư nghiệp toàn lưu vực – hai đại biểu nhấn mạnh.