Hiệu quả từ mô hình ruộng lúa bờ hoa

ThienNhien.Net – Việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian gần đây đã và đang gây nguy hại nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường mà còn với sức khỏe của những cộng đồng hiện sinh sống gần khu vực canh tác. Trước thực tế đáng buồn này, tỉnh An Giang đã quyết định đi tiên phong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới, trong đó phải kể đến chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái”, do Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) triển khai thực hiện thí điểm tại An Giang.

Theo Tiến sĩ K.L Heong đến từ IRRI, chương trình này nhằm vào 2 mục tiêu chính là: tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và ngưng sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu của cây lúa. Từ đó, giúp tăng cường sức đề kháng hệ sinh thái ruộng lúa và giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu.

An Giang đi tiên phong trong việc áp dụng mô hình “ruộng lúa bờ hoa” (Ảnh: Nongnghiep.vn)

Báo Nông nghiệp Việt Nam 18/5/2011 ghi nhận, chỉ sau một thời gian ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, hay còn gọi là “ruộng lúa bờ hoa” (trồng cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn và nuôi dưỡng ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng), người nông dân An Giang đã nhanh chóng thấy được hiệu quả của nó. Nếu hàng năm, khi bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá xuất hiện, hầu như vụ nào nông dân cũng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì giờ đây, điều đó không còn nữa. Với mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, suốt vụ đều không phải phun xịt thuốc lần nào, anh Nguyễn Nhựt Hoai (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Riêng vụ hè thu năm 2011, An Giang đã chọn 4 huyện để hỗ trợ thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” gồm các xã: An Hòa (Châu Thành), Khánh Hòa (Châu Phú), Định Thành (Thoại Sơn) và Tân Tuyến (Tri Tôn). Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hy vọng rằng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái sẽ tạo ra bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng ở cấp cộng đồng, nhắm đến các mục tiêu lâu dài như: nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường.