Quỹ tiền tệ Quốc tế khuyến nghị các nước để giá sàn carbon ít nhất 75 USD/tấn vào cuối thập kỷ này

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tê ( IMF), nếu không ấn định giá carbon ít nhất là 75 USD trung bình/tấn carbon vào năm 2030, các nước sẽ không thể tạo động lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiến hành sự thay đổi.

Ngày 7/11, bà Kristalina Georgieva -Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã khẳng định như trên bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập).

Ảnh minh họa.

Bà Georgieva cho biết: Tốc độ thay đổi trong nền kinh tế thực vẫn còn quá chậm, trong khi phân tích gần đây của các tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tổng số cam kết cuối cùng của các nước về giảm lượng phát thải sẽ giảm 11% vào giữa thế kỷ này.

Trong phát biểu bên lề COP27, bà Georgieva nhấn mạnh: Nếu không ấn định giá carbon ít nhất là 75 USD trung bình/tấn carbon vào năm 2030, các nước sẽ không thể tạo động lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiến hành sự thay đổi.

Một số khu vực, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) đã định giá carbon cao hơn mức trên, với giá chuẩn là vào khoảng 76 euro/tấn, trong khi các vùng khác, như bang California của Mỹ ghi nhận việc bán hạn ngạch carbon ở mức dưới 30 USD/tấn. Một số nước khác còn không định giá carbon.

Theo bà Georgieva, vấn đề là việc chấp nhận định giá carbon ở nhiều nước trên thế giới vẫn còn thấp và tình hình trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay.

Mặc dù vậy, bà Georgieva cho rằng có nhiều cách mà một quốc gia có thể định giá carbon. IMF đã đề xuất về mức giá sàn carbon trong khi Đức nêu đề xuất thành lập một “câu lạc bộ carborn” bao gồm những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Câu lạc bộ này có nhiệm vụ điều phối về cách thức các nền kinh tế thành viên đo và định giá phát thải carbon và thúc đẩy hợp tác về giảm phát thải trong các ngành công nghiệp chủ chốt.

Người đứng đầu IMF cũng nhấn mạnh cần sớm đạt được đột phá về vấn đề này, có thể là tại COP27 hoặc sau đó, bởi thế giới không còn mấy thời gian để thực hiện thành công giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.

Hội nghị COP27 và nhiệm vụ khẩn cấp chống biến đổi khí hậu

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6 – 18/11, với một chương trình nghị sự dày đặc và một loạt nhiệm vụ quan trọng nhưng hết sức khó khăn.

Hội nghị khí hậu toàn cầu năm 2022 được kỳ vọng sẽ giải quyết sẽ những vấn đề then chốt, bao gồm cả việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước nghèo và nâng tham vọng hành động khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.

Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 30.000 quan khách quốc tế, trong đó có gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ.

Các chủ đề chính tại hội nghị này là phát triển hydro xanh, an ninh nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Các chủ đề này phản ánh một số ưu tiên của nước chủ nhà Ai Cập trong nỗ lực thúc đẩy lợi ích của các quốc gia đang phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu tài chính của họ để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm nay diễn ra trong bối cảnh tình trạng Trái Đất ấm lên đã gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan.

Các hiện tượng thời tiết như nắng nóng gay gắt và mưa lớn bất thường đã xảy ra khắp nơi trên thế giới, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người bị mất nhà cửa do thiên tai từ đầu năm tới nay.