Gần 30 năm sống chung với thuốc độc

ThienNhien.Net – Hàng trăm hộ dân xóm 5, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An hàng ngày phải sống trong nỗi lo bệnh tật do ảnh hưởng của kho thuốc trừ sâu tồn tại nhiều chục năm nay, nhất là từ khi trong xóm có người mắc bệnh ung thư, mù mắt.

Khu đất thuộc xóm 5 nằm phía trước UBND xã trước đây được dùng để chôn thuốc trừ sâu DT666. Theo người dân, thuốc được chôn cách đây gần 30 năm với số lượng lớn, không nhớ rõ là bao nhiêu. Chỉ biết mỗi khi trời nắng to hoặc mưa kéo dài, nước ao gần nơi chôn thuốc lại đổi màu xanh đục, bốc mùi thuốc trừ sâu nồng nặc.

Từ lâu nay, 100% nước giếng của người dân sống trong vùng này không sử dụng được vì nước đổi màu và có mùi khó chịu, vì thế để có nước sinh hoạt, người dân phải xây bể nước mưa hoặc đi mua nước máy về dùng. Do ngửi phải nhiều thuốc sâu, đàn bà trong làng đều mắc chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, có người nhiều lần bị sẩy thai. Người dân thường xuyên phải dùng khăn bịt mũi, đóng kín các cửa lại nhưng vẫn không bớt mùi là mấy.

Hộ gia đình ông Hoàng Văn Thành sống ngay cạnh hố chôn thuốc cho biết: “Khổ lắm, mấy chục năm phải chịu đựng sống chung với thuốc độc. Luôn phải hít thở mùi hăng của thuốc độc, nước sinh hoạt thì chỉ biết trông chờ vào nước mưa của trời. Muốn đi nơi khác sống cho hết lo, hết khổ nhưng ngặt nỗi không có tiền, đành phải chịu đựng vậy. Mà tình trạng này chắc chả ai sống được lâu đâu”.

Ông Nguyễn Hữu Nhàn, Phó chủ tịch xã Viên Thành cũng thừa nhận: “Chính quyền xã cũng biết khá rõ về vấn đề tàn dư thuốc trừ sâu hoành hành mấy chục năm nay trên địa bàn xóm 5, khiến người dân luôn phải sống trong cảnh ăn không ngon, ngủ không yên. Địa phương đã xuống kiểm tra và cho máy xúc phần đất chứa lượng thuốc trừ sâu đem đi chỗ khác, đồng thời kiến nghị lên Trạm Bảo Vệ Thực vật huyện nhờ giúp đỡ. Đầu năm 2009 Trạm cũng đã về lấy mẫu nghiên cứu nhưng đến nay xã chưa nhận được phản hồi nào. Biết dân đang phải khổ với tàn dư của thuốc trừ sâu nhưng chính quyền cũng đành bất lực vì chuyên môn không có, chỉ biết kiến nghị lên cấp trên nhưng cấp trên không có phản hồi thì đành chịu”.