Ngẫm gì từ vụ xẻ thịt hổ nấu cao tại Hà Nội

ThienNhien.Net – Tôi rất đau xót khi được biết tin: Xẻ thịt, nấu cao hổ ngay trong khu tập thể giữa lòng thủ đô. Có một sự thật khác còn tệ hơn gấp nhiều lần vì đây chỉ là một trong những vụ bắt được, công khai và qua tin mật báo từ dân.

Còn có biết bao vụ chúng ta không nhận được tin báo từ quần chúng, không bắt được và có biết bao vụ mà chúng ta biết nhưng không bắt hay làm ngơ,… vấn đề khó nhất hiện nay là làm sao chúng ta phá vỡ được những “tảng băng chìm” hay những “con hạm lớn” làm phá rách lưới pháp luật trong lúc Người Việt mình ý thức bảo vệ sinh môi còn rất thấp và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rừng lớn từ những kẻ lắm tiền. Trong khi mà nhiều người đang đi theo con đường vật chất, tiền tài, danh vọng, tiêu thụ,… và có 2 bộ mặt, lúc này thì đeo mặt thật, lúc khác thì đeo mặt giả. Buồn nhiểu lắm quý vị ạ! Trái tim tôi đã nhiều lần rướm máu vì tận mắt chứng kiến những cảnh tương tự. Đây là sự thật chúng ta cần phải nhìn nhận và tìm cách tháo gỡ dần.
Chúng ta chưa ý thức sâu sắc rằng có một mối liên hệ mật thiết giữa con người và những loài cầm thú, cỏ cây và đất đá. Con người sinh ra từ các lòai khác. Con người xuất hiện rất trễ trên trái đất. Trước hết là loài thảo mộc, đến các loài động vật khác mới đến loài người xuất hiện. Cái gốc của con người nằm ở các loài khoáng vật, các loài thực vật và các loài động vật khác. Nếu mình không bảo hộ môi trường, không bảo hộ các loài động vật, không bảo hộ các loài thực vật, mình tàn phá làm cho các động vật bị diệt chủng. Mình phá rừng, hủy diệt cây cối, sử dụng toàn xi măng, làm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và cả đất đá…tức mình đã làm hư nền tảng sự sống của chính mình. Nếu vậy tương lai mình cũng bị tiêu diệt. Bảo hộ môi trường tức là bảo vệ con người. Đó là cái thấy rất sâu và điểm tương đồng rất lớn của nhiều truyển thống văn hoá và niềm tin khác nhau, đặc biệt là thể hiện rất sâu và rất cụ thể trong đạo Phật và điểu này tương đồng với khoa học chuyên sâu bây giờ.
Trong kinh Kim Cương, Phật có nói có bốn ý niệm mà mình phải chuyển hóa. Đó là ý niệm về ngã, về con người, về chúng sanh và về thọ mạng.
Ý niệm về ngã là một ý niệm nguy hiểm, nó chia cách giữa mình với người khác. Ví dụ như mình với cha mình thật ra không phải là hai người khác nhau. Mình là sự tiếp nối của cha mình. Trong mình có cha mình. Nếu mình nghĩ mình là một người khác, cha mình là một người khác, hoàn toàn không đúng. Nó là sự tiếp nối lẫn nhau như cây bắp tiếp nối hạt bắp. Vì vậy cần lấy ý niệm ngã ra.
Ý niệm thứ hai, ý niệm nhân cũng vậy. Con người được làm bằng những yếu tố không phải con người. Đó là các loài động vật, thực vật và khóang vật. Con người sẽ không sống được nếu thiếu các loài đó. Vì vậy con người khôn khéo thì phải bảo hộ các loài động vật, thực vật, khoáng vật. Kinh Kim Cương là một văn bản xưa nhất của thế giới dạy về bảo vệ môi trường.
Người Việt mình ý thức bảo vệ sinh môi còn rất thấp. Đi trên đường mình dễ dàng nhìn thấy bao ny lông vứt đầy cả. Rừng bị rút ruột và chảy máu ở nhiều nơi. Ô nhiểm nước, không khí,… ngày càng trở nên trầm trọng, tới mức báo động, chẳng khác nào mình đang tự hủy hoại, đang tự tử một cách từ từ. Do vậy, bảo hộ sinh môi là công việc của tất cả mọi người. Trong gia đình, cha mẹ phải nhắc nhủ con cái về bảo vệ sinh môi, trong trường học, thầy cô giáo phải nói chuyện với học trò. Trong thôn làng, khu phố phải cần những buổi họp để giáo dục về sinh môi.
Vai trò của cá nhân như những nhà lương tri, môi trường,… và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này và liên quan như Traffic, PanNature, ENV… cần nắm tay nhau để kêu gọi các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các vị trong ủy ban nhân dân, các vị trong quốc hội, các vị lãnh đạo nhà nước,.. mỗi người phải đóng góp phần mình để nâng cao ý thức về sinh môi nói chung và các loài động vật hoang dã nguy cấp nói riêng. Công việc của tôi, các bài viết của tôi cũng là thể hiện điều này và gần đây nhất là bài “Đa dạng văn hoá là nền tảng để bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bển vững”.
Thú vật bị giết, bị đem nấu cao, ăn thịt, làm đồ thí nghiệm,…. Đất nước mình có gốc gác Phật giáo, có các hạt giống của ân tình, thương yêu và bảo vệ môi trường từ bao đời này, đặc biệt là thời Lý-Trần, Bác Hồ của chúng ta cũng là một minh chứng và điển hình. Chúng ta cần phải hiểu và cùng nhau vun đắp, tạo điều kiện cho các hạt giống này có điều kiện tốt nhất để sinh sôi và nảy nở tốt nhất trong tình hình hiện nay. Theo tôi, đây là đóng góp lớn nhất và bền vững nhất cho tương lai của đất nước và nhân loại.