Mô hình VietGAP nâng cao rõ rệt chất lượng nông sản

ThienNhien.Net – Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm, các mô hình áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP/GMPs) trong sản xuất kinh doanh rau an toàn tại tỉnh Lâm Ðồng, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã cho kết quả khả quan.

Những kết quả, kinh nghiệm và kiến nghị trong quá trính áp dụng thí điểm VietGAP/GMPs trong sản xuất kinh doanh bền vững rau an toàn được chia sẻ tại Hội thảo (từ 23-24/02) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Ðồng tổ chức.

Các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia mô hình thí điểm đều cho rằng, việc áp dụng VietGAP/GMPs đã cải thiện rõ rệt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) so với trước kia.

Thông qua các khóa đào tạo của Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật địa phương đã có được những kiến thức cơ bản để đào tạo lại cho người lao động và nông dân trực tiếp tham gia sản xuất tại mô hình thí điểm.

Người nông dân ngoài học lý thuyết về VietGAP/GMPs còn được tham gia các lớp tập huấn thực địa về áp dung các Quy phạm thực hành chuẩn (SOPs) và các mẫu biểu ghi chép trong canh tác, sơ chế, đóng gói, vận chuyển rau an toàn để giúp họ dần thay đổi những thói quen không tốt trong sản xuất rau theo phương thức truyền thống.

Ở các mô hình thí điểm như trang trại Phong Thúy, HTX Anh Ðào, qua các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, VSATTP qua nhiều đợt lấy mẫu kiểm tra đánh giá về mức độ ô nhiễm vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật, nitrat và kim loại nặng cho thấy đã giảm thiểu đáng kể mức độ ô nhiễm.

Nhờ sự hỗ trợ nâng cấp điều kiện sản xuất của cơ sở từ phía dự án, chất lượng VSATTP của sản phẩm không những được đảm bảo ở khâu sản xuất tại đồng ruộng mà còn đáp ứng được ở các công đoạn khác trong toàn chuỗi sản xuất như thu hoạch, sơ chế, đóng gói đến phân phối.

Theo một số đại biểu, để đảm bảo sự phát triển bền vững các mô hình VietGAP/GMPs, một mặt cần sự nỗ lực từ người dân trong việc thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, có trách nhiệm đối với sản phẩm. Mặt khác, cũng cần phải quan tâm tới hiệu quả kinh tế đem lại cho người sản xuất nhằm tạo ra các giá trị cao hơn, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất sản phẩm.

Thời gian tới, Dự án FAPQDC sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiếp cận thị trường như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với vấn đề VSATTP nói chung và sản phẩm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP/GMPs nói riêng; liên kết đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình thí điểm; phát triển thương hiệu để giúp các mô hình thí điểm đạt hiệu quả hơn trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.