Hoà Vang với kinh tế VACR

Huyện Hoà Vang (TP. Đà Nẵng) có diện tích tự nhiên hơn 707km2, trong đó, miền núi chiếm khoảng 83% với gần 26.000 hộ và trên 107.600 khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành và Hội Làm vườn (HLV) thành phố, HLV huyện Hoà Vang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế VACR, nhiều nhân tố, điển hình mới đã xuất hiện…

Mấy năm qua, nhờ được “kinh qua” các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, người dân Hoà Vang đã tích cực làm kinh tế VACR, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương. Năm qua, 498 lớp tập huấn với hơn 25.000 lượt người tham dự đã giúp bà con tự tin hơn khi triển khai những mô hình mới, hướng đi mới, nhờ đó, đời sống ngày càng cải thiện. Đến nay, Hoà Vang có 165 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó 2/3 số trang trại cho thu nhập khá, có sản phẩm hàng hoá bán ra thị trường.

Nhờ được HLV và ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, bà con đã tập trung cải tạo vườn tạp và đầu tư chăm sóc các giống cây trồng, vật nuôi mới. Nhiều mô hình cho thu nhập khá như trang trại trồng, nuôi heo lai rừng, trồng mai, tạo cảnh quan du lịch sinh thái của anh Nguyễn Phước Hùng ở thôn Phú Túc (Hoà Phú), mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Các hộ đồng bào Cơ Tu như Lê Văn Nghĩa, Đinh Văn Nhôm, Nguyễn Văn Lớ, thu nhập 30 – 50 triệu đồng/năm từ kinh tế VACR. Hiện, toàn xã có 715 vườn và 27 trang trại với các loại cây như tiêu, chuối, chanh, cam, đu đủ, keo lai. Năm 2007, keo lai cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng/ha/năm, Hoà Phú thu 5 – 7 tỉ đồng nhờ trồng rừng. Đặc biệt, nhiều hộ “phất” nhờ ươm giống cây keo lai như Võ Sơn, Nguyễn Tuy, Nguyễn Thị Năm (thôn Hoà Hải).

Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư chi bộ thôn Phú Túc cho biết: “Toàn thôn có 107 hộ, 417 khẩu, 86 hộ đồng bào Cơ Tu thì có tới 50 hộ nghèo. Đặc biệt, thôn có khu định cư Hố Chình được thành lập từ năm 2000, với 38 hộ đồng bào Cơ Tu về đây làm ăn sinh sống. Làm thế nào để nâng cao mức sống của bà con là câu hỏi thường trực trong mỗi chúng tôi. Chính quyền đã phối hợp với HLV áp dụng phương châm 3 cùng: cùng ăn – cùng ở – cùng làm, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước, ngô lai, nuôi bò, ươm keo lai… cho bà con. Vừa qua, chúng tôi đã “ra quân” trồng chuối tại vườn của hai hộ Đinh Văn Trí và Đinh Văn Tin với 200 cây giống tốt, sai quả do 10 chi HLV quyên góp”.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch HLV xã Hoà Phú cho biết: “Ngoài hỗ trợ giống rau, kỹ thuật thực hiện ô dinh dưỡng cho đồng bào, chúng tôi còn kiến tạo những vườn chuối cho các hộ, sau đó lấy giống nhân ra toàn thôn. Ba năm nữa, trung bình mỗi khu vườn của bà con dân tộc Cờ Tu sẽ có khoảng 20 bụi chuối…”.

Nhờ phong trào VACR, hàng ngàn hecta đất trống đồi trọc ở Hoà Vang đã được phủ xanh; các vườn tạp được thay thế bằng các giống cây, con có giá trị kinh tế cao. Tre Điền Trúc, keo lai, bò lai Sind… đã góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân. Không chỉ thế, VACR còn có ý nghĩa xã hội to lớn vì giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Khi được hỏi, hầu hết hội viên HLV đều cho rằng, nhờ được tham gia các lớp tập huấn và qua thực tiễn sản xuất, họ đã dần tiếp cận với cách làm mới và những mô hình tiên tiến, hiện đại. Hy vọng, một ngày không xa, về lại Hoà Vang sẽ thấy những vạt chuối, keo lai xanh tốt, đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.