Người tiên phong nuôi gà xương đen ở Pà Cò

ThienNhien.Net – Là giống gà quý của người H’Mông, cách đây khoảng 10 năm được xem như có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng đến nay gà xương đen (hay còn gọi là gà H’Mông) đang được nuôi rất phổ biến ở nước ta và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Là một trong những người sớm nhận ra tiềm năng kinh tế của việc nuôi gà xương đen, ông Sùng A Sua ở bản Cang, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã mạnh dạn tiên phong phát triển mô hình này. Và với đàn gà 100 con, năm nay gia đình ông đã có một cái Tết đủ đầy và ấm cúng hơn.

Vừa chuyển đến khu tái định cư mới được hơn hai năm, lại thuộc vùng lõi của khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò nên gia đình ông Sua cũng như hàng chục gia đình khác ở đây đều sống phụ thuộc vào rừng và chăn nuôi gia súc… Vật nuôi chính của gia đình ông Sua trước đây là một con lợn nái và đàn bò 8 con, nhưng vì là vật nuôi lớn phải nuôi lâu dài mới bán được, nên kinh tế gia đình ông lúc nào cũng túng thiếu.

Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi mới cho gia đình mình nhưng chưa tìm được cách nào khác, cách đây hơn 3 tháng, trong đợt họp bản ông được trưởng bản Sùng A Nố cho biết sắp tới cán bộ dự án của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) sẽ triển khai mô hình nuôi gà xương đen tại địa phương mình. Theo mô hình này, người dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp giống, được hỗ trợ xây chuồng trại đúng kỹ thuật và đến khi gà được nuôi lớn mới phải trả lại tiền vốn cho cộng đồng do Ban Phát triển cộng đồng xã Pà Cò quản lý.

Nghe vậy, trong lúc nhiều người trong bản còn đang chần chừ, phần vì chưa hiểu rõ kỹ thuật chăn nuôi, sợ đàn gà dịch bệnh chết phải trả lại vốn, phần lo về đầu ra của sản phẩm, ông Sua đã quyết định thử sức. Ông Sua cười khà khà nhớ lại: “Nghe cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên nói về kỹ thuật nuôi và xây chuồng cũng dễ. Ban đầu tôi cũng sợ khí hậu ở đây lạnh, gà có thể mắc dịch bệnh, nhưng thấy cán bộ nói giống gà này nếu nuôi đúng kỹ thuật thì chỉ khoảng 3 – 5 tháng là có thể bán được nên tôi đã nhận 100 gà con mang về nuôi thử. Khi mang về vợ tôi còn cằn nhằn: Ông nhận nuôi nhiều gà thế này mình có chăm sóc được không, cả bản có ai nhận nuôi đâu, nhà mình ngô còn không đủ ăn thì lấy gì mà cho gà ăn. Nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi”.

 
Nhờ có đàn gà xương đen mà năm nay gia đình ông Sùng A Sua đã có gạo ăn


Ngay sau khi nhận gà, cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã đến tận nhà giúp ông Sua xây nền chuồng bằng xi măng, xung quanh dùng ván gỗ bịt kín nhằm giữ ấm cho gà. Vậy là từ đó đàn gà 100 con ban ngày được thả kiếm ăn trên vùng đất hoang vu toàn đá và đá đó.

Được biết giống gà đang được gia đình ông Sua nuôi là giống gà do Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương tuyển chọn và gây giống từ đàn gà của người H’Mông nuôi ở Sơn La nên chúng có những đặc tính hoang dại, khỏe mạnh và phù hợp với môi trường khí hậu lạnh ở vùng cao, nên ít mắc bệnh.

Khi tôi đến thăm gia đình ông Sua cũng là lúc đàn gà ông nuôi được gần 3 tháng, nhìn đàn gà con nào cũng khoẻ mạnh, có con đã bắt đầu cất tiếng gáy. Vừa vãi ngô cho đàn gà ăn, ông Sua vừa cho biết: “Tôi nhận nuôi 100 con nhưng bị diều hâu bắt mất 3 con, tôi mổ ăn thử 3 con còn 94 con, vừa rồi tôi bán 5 con được hơn 500,000đ. Gà mới nuôi nên nó còn nhỏ, chưa được cân (1kg), tôi toàn cho nó ăn ngô với lại nó tự kiếm ăn thêm ngoài rừng. Hiện nay tôi bán với giá tại nhà là 120,000đ/1kg, ở đây giá còn đắt hơn ở dưới xuôi ấy chứ, vợ tôi trước đây không thích tôi nuôi, nhưng bây giờ cứ sáng ra là ngó nghiêng chuồng gà ngay”.

Ông Sua cho biết thêm: “Giờ tôi còn hơn 90 con nhưng họ đặt mua gần hết rồi. Nhưng tôi không bán hết, phải để một ít làm giống. Qua đợt này tôi sẽ trả hết số tiền cho cộng đồng và dành một ít đầu tư nuôi nhiều thêm. Nhờ có đàn gà mà Tết năm nay nhà mình đã mua được gạo ăn rồi, còn có cả thịt gà ngon ăn nữa”.

Được biết, ngoài gia đình ông Sua ra thì trong xã Pà Cò còn có 04 gia đình khác cũng được dự án hỗ trợ để nuôi gà xương đen. Hiện nay, số gà của cả bốn hộ gia đình này đều lớn nhanh và đã có thể đem bán. Sự thành công bước đầu về mô hình nuôi gà xương đen của gia đình ông Sua và 4 hộ gia đình khác đã khiến nhiều gia đình trước đó không đủ mạnh dạn nhận nuôi tiếc nuối và rất nhiều gia đình đã đăng ký với Ban Phát triển cộng đồng xã Pà Cò để được vay giống nuôi trong năm tới.

Chia tay ông Sua khi đàn gà đang nháo nhác đòi ăn, đi được một đoạn chúng tôi ngoảnh lại vẫn thấy chủ nhân của đàn gà đang vãi ngô gọi đàn gà về. Và một cái Tết ấm no hơn đã về với những gia đình trên bản của bà con H’Mông nơi đây.

Tết mông gọi xuân sớm