Khu bảo tồn bị bỏ quên (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Rừng ngập mặn bị lấn chiếm nên sức hút các loài chim tới sinh sống, dừng chân trong mùa di cư ở KBTTN Tiền Hải chắc chắn đã giảm. Góp thêm một lý do cho sự vắng bóng chim nơi đây là nạn săn bắt chim một cách tràn lan của người dân. Vấn nạn nhức nhối âm ỉ này diễn ra đã lâu mà chưa có liều "vacxin" hữu hiệu nào điều trị tận gốc, bởi ở huyện miền biển này, bắn và thịt chim hoang dã không phải là chuyện hiếm.

Hãi hùng súng hoa cải

Chúng tôi rảo bước về phía cửa biển Nam Thịnh nơi tàu bè neo đậu thì được ông A, một người chuyên bán hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm cho ngư dân đi biển cho biết, vì có sự viếng thăm của cán bộ bảo tồn và toán khách lạ chúng tôi nên tiếng súng bắn chim mới tạm im ắng, chứ bình thường súng vẫn nổ đì đoàng liên tục chẳng khác gì thời chiến.

“Gặp con gì họ bắn con đấy bất kể là to hay nhỏ, sách đỏ hay sách xanh. Vào các ngày cuối tuần có cả đoàn ô tô con từ Hà Nội đánh xe về đây bắn chim, mà toàn các vị quan chức về hưu cả. Chủ yếu họ dùng súng hoa cải, mỗi một viên đạn hoa cải chứa hàng chục viên đạn chì nhỏ bên trong cùng thuốc nổ, khi bắn đạn sẽ tỏa ra như mắt rổ nên không một con chim nào có thể thoát khỏi họng súng kinh hoàng đó”, Ông A vô tư kể. Theo lời ông, ngay tại xã Nam Thịnh hiện vẫn còn 3 khẩu súng hoa cải mà chủ nhân của chúng vẫn lảng vảng ở các khu ao, đầm nuôi tôm cá. Nếu thấy xuất hiện chim cỡ lớn như vịt trời, le le, mòng biển hay cò mỏ thìa là đoàng ngay.

Bỏ thời gian tìm hiểu chúng tôi nhận thấy dân bắt chim có cả trăm nghìn cách giăng thiên la địa võng bắt các loài vua ở trên trời; từ hiện đại đến thủ công cốt tóm được nhiều chim đem bán cho những nhà hàng cao cấp. Những dân chơi thực thụ thì dùng súng hoa cải để bắn, người bình thường thì dùng lưới, dây thòng lọng và bả nhựa trám để bắt chim. Do thợ săn buổi trưa thường vào nhà ông Quynh nghỉ chân uống nước giải lao nên ông được nghe kể và chứng kiến đủ mọi ngón nghề bắt chim hiện nay. Giờ việc săn bắt chim hiện đại và tinh vi hơn trước rất nhiều. Dân chuyên nghiệp còn sắm cả “chim máy” để bắt chim thật. Bộ đồ nghề gồm loa đài, chiếc lưới úp và một con chim mồi.

“Khi thấy đàn chim bay qua, dân săn chim sẽ bật loa đài phát ra những âm thanh của loài chim đó. Thấy tiếng kêu của đồng loại, lũ chim sẽ ngay lập tức sà xuống chỗ con chim mồi và thế là chiếc lưới ụp vào”, ông Quynh trầm ngâm kể về cách bắt chim của dân chuyên nghiệp bây giờ.

Việc săn bắt, mua bán chim hoang dã không đến nỗi công khai giữa bàn dân thiên hạ nhưng theo lời người dân nơi đây nói thì từ trước đến giờ cũng chưa thấy ai bị bắt phạt bao giờ. Đến đây chúng tôi lại chợt nghĩ đến cơ chế hoạt động và quản lý các KBT ở nước ta hiện nay rất chồng chéo và phức tạp. Chẳng nhẽ thấy rừng bị phá, thấy chim bị săn bắn một cách vô tội vạ mà phải chịu bó tay hay sao?

 
 Trong suốt thời gian có mặt tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải chúng tôi chỉ nhìn thấy rất ít cò trắng 

Bắt cóc bỏ đĩa?

Quay trở lại cuộc trao đổi giữa chúng tôi với BQL KBTTN Tiền Hải, có hai chuyện mà người nghe kể lại cũng phải tái tê lòng. Đó là vào tháng 3/2010, BQL KBTTN Tiền Hải đã giải cứu được 5 cá thể cò mỏ thìa tại một nhà hàng có cái tên rất dân dã – Làng Việt – ở thị trấn Tiền Hải, Thái Bình. Trong đó, hai con bị bắt bằng giăng lưới, 3 con còn lại thì súng hoa cải “khạc” đạn chì vào bị thương trước khi bị bắt. Anh Đinh Văn Cao, Phó Giám đốc KBTTN Tiền Hải cho biết, trong tổng số 5 con cò mỏ thìa BQL cứu được, một con đã bị chết sau đó không lâu do bị thương nặng bởi làn đạn súng hoa cải găm vào người quá nhiều.

Ông Lê Trọng Trải, chuyên gia của Tổ chức bảo tồn chim quốc tế cho biết, cò mỏ thìa có tên gọi quốc tế là Platalea minor được xếp trong danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng thuộc Sách Đỏ Thế giới IUCN. Năm 2010, theo ước tính của Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế, số lượng cò mỏ thìa dù đã gia tăng đều đặn từ năm 2003 nhưng hiện nay chúng chỉ còn có khoảng hơn 2.300 cá thể trên toàn thế giới.

VQG Xuân Thủy là điểm di trú hiếm hoi của loài cò mỏ thìa tại Việt Nam. Do KBTTN Tiền Hải nằm giáp danh với VQG Xuân Thủy nên cò mỏ thìa hay bay sang khu vực cồn Vành, cồn Thủ kiếm ăn dẫn tới việc bị bắt hại. Từ đầu mùa chim di cư đến nay, cán bộ VQG Xuân Thủy đã thống kê được khoảng trên 40 cá thể cò mỏ thìa, giảm so với 63 con của năm trước. “Thực chất cò mỏ thìa có trọng lượng không lớn, chỉ trên dưới 1kg, nhưng do có bộ lông rất dày và bộ cánh dài nên trông chúng khá to. Đây là một nguyên nhân khiến loài chim có quần thể ít ỏi này bị những kẻ đi săn để ý hơn”. Ông Trải chia sẻ.

 
 Cò thìa nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam và thế giới dù được cấm săn bắt với mọi hình thức nhưng năm 2010 Ban quản lý Khu bảo tồn vẫn phát hiện 7 cá thể trong một Nhà hàng tại thị trấn Tiền Hải

Tháng 12/2010 vừa qua, theo nguồn tin báo của người dân, BQLKBTTN Tiền Hải thêm một lần nữa giải cứu được 2 cá thể cò mỏ thìa khác suýt bị làm thịt vẫn ở nhà hàng Làng Việt trên. Lần này những chú cò đáng thương đã bị bắt bởi loại bẫy nhựa trám cổ truyền. Qua khai thác tìm hiểu, người dân cho biết trước đó một số con cò mỏ thìa đã bị giết thịt đặt lên bàn nhậu rồi.

Điều đáng nói ở đây là tại sao bắt được quả tang nhà hàng Làng Việt thu mua, giết thịt chim hoang dã, chim cấm mà BQL KBT không tiến hành xử phạt? Với câu hỏi này, ông Trần Dự, Giám đốc KBTTN Tiền Hải kêu khó vì chưa có cơ chế. Ông bảo rằng do một số điểm đặc thù mà tỉnh Thái Bình trước đây đã giải tán lực lượng kiểm lâm, nay mới thành lập lại nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ, lại đóng trên địa bàn thành phố nên mọi việc liên quan đến xâm hại rừng cũng như săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã đều một tay do Phòng Tài nguyên, Môi trường huyện xử lý, mà Phòng Tài nguyên Môi trường huyện lại không có chức năng xử phạt. Nếu đem danh nghĩa khu bảo tồn cũng không được vì chỉ có Vườn quốc gia mới có chức năng trên. Chính vì thế mà cả hai lần giải cứu, BQL KBTTN Tiền Hải phải tự bỏ ra 800.000 đồng mới có thể chuộc lại và thả lũ cò thìa trở về với tự nhiên, chứ nói gì đến chuyện xử phạt (?)

“Thiếu cơ chế” có lẽ là luôn là cách lý giải dễ dàng và thường gặp nhất. Và trong khi đợi “cơ chế” cách giải quyết của KBT để bảo vệ đàn chim hoang dã chẳng ích gì mấy cho việc xử lý tận gốc rễ của vấn đề, mà chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.