Ngăn chặn tình trạng săn bắt chim hoang dã

Thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử lý hành vi săn bắt, buôn bán chim hoang dã, chim di cư, tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.

Buôn bán chim hoang dã vẫn diễn ra

Hằng năm, vào đầu mùa đông, các loài chim thường di cư từ xứ lạnh ở phương Bắc về trú đông hoặc tạm dừng trước khi bay tiếp về phương Nam. Do đó, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12 có rất nhiều loài chim hoang dã quý hiếm di cư đến địa bàn tỉnh. Việc bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư được các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm, tuy nhiên, tại nhiều nơi vẫn có người dân bẫy, bắt, buôn bán loài động vật này.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong tháng 9 và tháng 10/2022, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã thu giữ hơn 1.300 m lưới và hàng chục dụng cụ bẫy, bắt chim; cùng với đó, tạm giữ và thả về tự nhiên hơn 700 cá thể chim hoang dã các loại.

Đầu tháng 11, có mặt tại chợ trung tâm huyện Mường Khương, phóng viên ghi nhận tình trạng buôn bán chim hoang dã vẫn diễn ra nhộn nhịp. Bên cạnh những chú chim cảnh được người dân nuôi lồng riêng mang đến chợ, nhiều loại chim hoang dã được người dân bày bán.

Lựa chọn mua chim.

Cũng tại huyện Mường Khương, một chợ chim tự phát nằm ở khu vực Km193, Quốc lộ 4D, người dân bày bán nhiều loại chim hoang dã. Một người đến từ xã Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết, chim họa mi do anh bán, một số được nhập từ Trung Quốc, còn lại là của người dân địa phương đi rừng bẫy, bắt được rồi bán lại cho anh. Giá bán 1 con chim họa mi từ 500 nghìn đồng tới hàng triệu đồng, tùy vào độ “căng”, đẹp và sự bạo dạn của chim (theo đánh giá của người chơi thì chim họa mi “căng” là hót nhiều, hót hay và có thể tham gia chọi).

Không chỉ có chim họa mi, các loài chim như chào mào, quế lâm, ngũ sắc, vành khuyên… do người dân bẫy, bắt cũng được bán khá nhiều, người mua tự lựa chọn với giá từ 30 nghìn đồng 1 con chim quế lâm, 50 nghìn đồng 1 con chim ngũ sắc, 250 nghìn đồng 1 con chim chào mào…Đặc biệt, người dân bán các loài chim hoang dã ở chợ Mường Khương rất công khai.

Còn tại huyện Bảo Thắng, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã tích cực tuần tra ngăn chặn việc săn, bắt, bẫy các loài chim hoang dã, chim di cư, thu giữ hơn 7.000 m lưới bẫy chim, 18 loa, 8 âm ly và bình ắc quy phục vụ việc bẫy chim của người dân. Lực lượng kiểm lâm cũng tạm giữ và tái thả về tự nhiên 103 cá thể chim các loại. Với thành phố Lào Cai, lực lượng kiểm lâm cơ động của tỉnh đã tham gia xử lý các cơ sở buôn bán chim không rõ nguồn gốc, bắt giữ và tái thả gần 500 cá thể chim được bán làm cảnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc tích cực trong việc bảo vệ các loài chim di cư, nhất là khu vực ven sông Hồng, tuy nhiên địa bàn vùng cao vẫn chủ quan, lơ là thực hiện nội dung này.

Cần nâng cao ý thức bảo vệ

Lực lượng kiểm lâm tỉnh đã xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư trên địa bàn tỉnh, thời gian tăng cường kiểm tra hoạt động săn bắt, bẫy chim hoang dã là từ tháng 10 đến hết tháng 12/2022.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, cùng với sự vào cuộc của lực lượng kiểm lâm thì người dân, nhất là nơi có các chợ chim ở vùng cao cũng cần nhận thức về việc buôn bán, bẫy, bắt, tàng trữ các loài chim hoang dã là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng khuyến cáo người nuôi chim cảnh nên chấp hành đúng quy định của pháp luật về nuôi nhốt, buôn bán chim hoang dã.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4591 ngày 1/10/2022 về việc tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.

Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện các nội dung: Tổ chức tuần tra, kiểm soát trên địa bàn tỉnh về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loại chim hoang dã để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai, thực hiện và hướng dẫn người dân về các quy định của pháp luật, văn bản của trung ương, của tỉnh trong việc nghiêm cấm săn bắt, bẫy, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư…; xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước thực tế vẫn diễn ra những hành vi vi phạm về bẫy, bắt chim hoang dã, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần quyết liệt hơn trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.