“Chảy máu” cây thuốc nam (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Tình trạng “chảy máu” cây thuốc ở Cao Bằng đã trở nên đáng báo động, nếu không có phương hướng và giải pháp bảo vệ, sử dụng hiệu quả cây thuốc thì Cao Bằng nói riêng và cả nước ta sẽ đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu. Để hiểu rõ về tình trạng phân bố, khai thác và sử dụng nguồn cây thuốc ở Cao Bằng sao cho hợp lý, ThienNhien.Net đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông Y Cao Bằng – người đã có nhiều năm nghiên cứu tìm ra hướng đi mới cho cây thuốc ở Cao Bằng.

Thưa ông, được biết tỉnh Cao Bằng là nơi tập trung nhiều loại cây thuốc phong phú nhất cả nước, có giá trị cao về hàm lượng sinh học cũng như về mặt kinh tế. Vậy xin ông cho biết các loại cây thuốc có nhiều nhất trên địa bàn tỉnh và sự phân bố của chúng?

Ông Hoàng Văn Bé: Cao Bằng là một tỉnh miền núi có đặc điểm riêng biệt về thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình có nhiều đồi núi có độ dốc cao từ 900m đến 2000m so với mặt nước biển. Vì thế hầu hết các địa phương trong tỉnh Cao Bằng đều có cây thuốc sinh trưởng và phát triển hoang dại, tuy nhiên tùy thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng của từng địa bàn thì sự trữ lượng và chủng loại của các cây thuốc cũng khác nhau. Các loại cây dược liệu có nhiều trên địa bàn tỉnh gồm: Cỏ ban hoa vàng, bách bộ, hồi núi, ngũ gia bì hương, thiên niên kiện, hoài sơn tiêu thực, kê huyết đằng, hà thủ ô, ba kích, thổ phục linh, bình vôi, sói rừng, chè dây, giảo cổ lam, phong lan đất, hoàng bá, thất diệp nhất chi hoa, thanh thiên quỳ, lan gấm, kim ngân …

Cây thuốc ở Cao Bằng phân bố nhiều nhất ở các huyện vùng cao. Trong đó, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Hạ Lang có nhiều cây giảo cổ lam, kim ngân hoa, đỗ trọng nam, kim anh, cẩu tích; vùng núi rừng Thạch An, Hòa An có nhiều cốt toái bổ, củ bình vôi, sói rừng, chè đắng, sâm cau…; ở huyện Bảo Lạc hà thủ ô, hoàng tinh phát triển tốt; huyện Thông Nông, Nguyên Bình, Hà Quảng có nhiều ô đậu phụ tử, củ mật gấu, ba kích, bảy lá một hoa, thầu dầu tía, kim tuyến…

Ngoài ra Cao Bằng còn rất nhiều cây thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm địa phương, kinh nghiệm gia truyền; có nhiều cây thuốc phía Trung Quốc thu mua với khối lượng lớn khoảng 20 năm nay nhưng chúng ta cũng chưa biết rõ tác dụng của chúng.


 
Ông Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Hoàng Chiên) 

Như ông đã nói thì Trung Quốc đã và đang thu mua với số lượng lớn nhiều loại cây thuốc quý ở Cao Bằng. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Ông Hoàng Văn Bé: Việc Trung Quốc thu mua cây thuốc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã diễn ra từ lâu, đặc biệt cách đây mấy năm họ mua giống Cửu linh hương với số lượng lớn, hàng nghìn tấn. Riêng cây sói rừng, trước đây họ mua rất nhiều nhất là chục năm về trước. Nhiều loại cây thuốc khác cũng được họ thu mua với khối lượng lớn. Việc Trung Quốc thu mua với khối lượng lớn như vậy đã khiến cây thuốc ở Cao Bằng gần như cạn kiệt.

– Theo ông ngoài việc Trung Quốc thu mua với số lượng lớn thì còn nguyên nhân nào khác dẫn đến nguồn tài nguyên cây thuốc đang ngày càng cạn kiệt ở Cao Bằng?

Ông Hoàng Văn Bé: Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển từ thời bao cấp sang nền kinh tế thị trường thì người ta thường xuyên sử dụng thuốc Tây y chế biến sẵn hoặc là thuốc Đông y, còn cây dược liệu thì ít được quan tâm. Đặc biệt hiện nay Sở y tế không có phòng chức năng quản lý, còn Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa ưu tiên bảo tồn cây thuốc. Từ năm 2000 đến nay Bộ y tế không có văn bản nào quản lý cây dược liệu, trong khi cây thuốc được ngành kiểm lâm gọi là “lâm sản phụ”. Thời gian gần đây chính phủ ban hành kế hoạch phát triển cây thuốc, nhưng hiện nay ở Cao Bằng, địa phương được đánh giá là giàu tiềm năng về cây thuốc nhất để kiếm được cây thuốc lại rất khó, trước đây chỉ cần ra khỏi nhà là đầy cây thuốc, bây giờ có mà đi cả ngày, vào tận rừng sâu cũng không tìm thấy. Việc khai thác cây thuốc diễn ra ở Cao Bằng từ lâu, nhưng không có ai quản lý cũng là một nguyên nhân.

Ngoài ra nguồn cây thuốc ở cao bằng đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu một phần là do tác động của nạn đốt phá rừng làm nương rẫy, các đợt lũ quét, sạt lở đất, khai thác cây thuốc quá mức, thiếu khoa học mà không có nuôi trồng… Điều này đã và đang khiến diện tích cây thuốc hoang dã trên địa bàn đang dần bị thu hẹp và cạn kiệt theo thời gian.

– Ông nhận định thế nào về tình trạng “chảy máu” cây thuốc nam ở Cao Bằng?

Ông Hoàng Văn Bé: Cao Bằng có trên 500 loài cây thuốc được xác định và ghi nhận (khoảng 60%). Còn khoảng 40% cây thuốc được lương y sử dụng chữa bệnh nhưng hiện nay chưa biết là cây gì, chưa được điều tra về tên thuốc và công dụng. Với thực trạng chảy máu dược liệu trong 20 năm nay ở Cao Bằng, có thể ước tính con số thất thoát lên đến vài tỷ đồng, mà mới tính trên dược liệu thô chưa chế biến. Trong khi đó, 1kg cây sói rừng Trung Quốc mua với giá chỉ 2 – 3 nghìn đồng, nếu băm ra thì bán với giá 30 nghìn, sang Trung Quốc họ chế biến xong bán với giá gấp 30 lần. Tại Cao Bằng có nhiều loại cây bán với giá trị rất cao như cây hoa vàng có giá trên 1 triệu đồng/ kg. Nếu tình trạng khai thác ồ ạt không được ngăn chặn thì chỉ trong vòng mấy năm nữa Cao Bằng sẽ không còn cây thuốc; nếu ngăn chặn kịp thời, không khai thác nữa thì 30 năm sau cây thuốc mới được khôi phục lại. Tôi rất sót ruột khi nghĩ về cây thuốc ở Cao Bằng. Trước đây thì nhiều vô kể, rừng nào cũng có, bạt ngàn trên rừng. Cho đến sau những năm cuối thập kỷ 1980 Trung Quốc thu mua thì dân mình đem bán hết.


 
 Ông Hoàng Văn Bé kiểm tra điểm thu mua sơ chế cây Huyết đằng ở xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: Hội Đông y tỉnh Cao Bằng)

– Theo ông thì chúng ta cần làm gì để phục hồi lại nguồn tài nguyên cây thuốc và sử dụng chúng theo hướng vừa bảo tồn vừa khai thác và phát triển bền vững?

Ông Hoàng Văn Bé: Thực chất cây thuốc cũng là cây xóa đói giảm nghèo, là tài nguyên xanh, khác với khoáng sản vì khoáng sản khai thác là hết, không sinh sôi phát triển trở lại như cây thuốc. Riêng cây thuốc nếu biết bảo tồn và nuôi trồng được chúng ta có thể khai thác lâu dài. Song rất tiếc là cơ quan quản lý cấp Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến loại tài nguyên này. Việc vào cuộc để bảo tồn cũng chưa thành phong trào. Hiện nay vào huyện nào cũng thấy người ta bày bán cây thuốc.

Cao Bằng có khí hậu rất thích hợp để phát triển cây thuốc, cũng là cây thuốc chữa bệnh, cùng một bệnh cây thuốc ở Cao Bằng chữa được, ở nơi khác cũng có cây thuốc đó nhưng không chữa được. Vì thế những người làm đông y ở các huyện của tỉnh ngày nào, tuần nào cũng có hàng chục bao cây thuốc nam chuyển vào Miền Nam để cho bệnh nhân chữa bệnh. Tôi cũng ủng hộ cách làm đó vì dù sao cũng buôn bán trong nước mình, nhưng hiện nay vẫn chưa có phượng thức quản lý.

Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Sở y tế tham mưu với UBND tỉnh mời các nhà đầu tư khuyến khích người dân trồng cây thuốc, chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn cây ngô, sắn. Chúng tôi cũng sẽ đồng thời điều tra các loại cây thuốc còn lại và hướng dẫn người dân phát triển, khai thác đúng quy trình, không bán cả gốc lẫn rễ.

Trước đó, Sở Khoa học đã có đề tài trồng thử nghiệm một số cây thuốc, đã nghiên cứu nhưng chỉ dừng ở mô hình thử nghiệm chứ chưa đánh giá hết tính năng. Tôi rất muốn có cách nào đó để bảo tồn và phát triển cây thuốc nhưng đến nay việc này vẫn chưa được các cấp quan tâm, kinh phí chưa có, đầu ra cho sản phẩm cũng chưa có. Muốn làm được cần có người đứng đầu, Ủy ban hoặc Tỉnh ủy cầm cân thì mới được. Tôi sẽ cố gắng làm tham mưu để tỉnh khai thác hợp lý bước đầu…

Hiện nay tôi trăn trở nhất là hậu quả của việc khai thác cây thuốc tràn lan như hiện nay đã làm cạn kiệt, dẫn đến mất gốc của một số cây thuốc quý của tỉnh Cao Bằng, bây giờ có bài thuốc cần tìm một số loại cây thì khó lắm. Ví dụ: Ba Kích, Thất diệp nhất chi hoa… Nghiêm trọng hơn, việc khai thác cây thuốc còn dẫn đến tình trạng giảm độ che phủ của diện tích rừng, gây hại cho môi trường, bởi vì có những loài cây thuốc sống bám ký sinh trên cây to và cao, và để lấy được cây thuốc đó người ta không ngần ngại hạ đổ cả cây gỗ lớn và một thảm thực vật xung quanh.

– Xin chia sẻ với ông nỗi trăn trở này và chân thành cảm ơn ông!

“Chảy máu” cây thuốc nam (Kỳ 1)