Nậm Cang giàu lên từ giữ và phát triển rừng

ThienNhien.Net – Xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai giờ được cả nước biết đến là một trong những gương điển hình về xây dựng nông thôn mới. Nhưng điều làm cho Nậm Cang trở nên trù phú giàu có hôm nay bắt nguồn từ một quyết định vô cùng quan trọng- phải giữ lấy rừng.

Giàu lên từ phát triển rừng

Nậm Cang là xã thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai với 3 thôn, 248 hộ và 1.425 khẩu. Trước năm 2000, Nậm Cang có tới gần 80% số hộ đói, nghèo; trên 70% dân số mù chữ; gần 30% số hộ gia đình có người nghiện thuốc phiện, cơ sở hạ tầng của xã gần như chưa có gì. Người dân ở đây bao đời nay chỉ biết phá rừng làm nương rẫy trồng ngô, lúa và cũng chính vì thế cuộc sống của họ chưa bao giờ có của ăn của để.

Trăn trở về điều này, Đảng bộ xã Nậm Cang đã gắng tìm lời giải bài toán xóa nghèo. Và tập thể lãnh đạo xã đã thống nhất với phương châm “Nậm Cang còn rừng là còn tất cả và dân Nậm Cang sẽ giàu lên từ rừng”. Người dân trong xã được tuyên truyền việc bảo vệ rừng rồi trồng rừng, nuôi rừng để giữ nước, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, sau khi tham khảo mô hình trồng cây thảo quả cho hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương trong tỉnh, xã đã chủ động mời cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thảo quả cho nhân dân. Đến nay, diện tích trồng cây thảo quả đã tăng nhanh và hiện 100% số hộ gia đình của Nậm Cang có nương thảo quả với diện tích từ vài nghìn m2 đến trên 10 ha.

Đặc điểm của cây thảo quả là chỉ sinh trưởng và phát triển tốt ở dưới tán rừng già nên người dân đã tích cực giữ rừng, trồng rừng, nâng tỷ lệ tán che phủ rừng của xã từ 50% năm 2000 lên 70% năm 2009.

Đa dạng hóa các loại hình kinh tế

Cùng với phát triển cây thảo quả, xã Nậm Cang đã chú trọng đến việc đa dạng hóa các loại hình kinh tế như làm trang trại, du lịch và dịch vụ. Xã đã khôi phục nhiều ngành nghề truyền thống như: thổ cẩm, nghề rèn… tạo thêm nguồn thu cho nhân dân.

Hiện, toàn huyện Sa Pa có trên 90 trang trại nông lâm nghiệp thì riêng xã Nậm Cang đã có tới 55 trang trại. Trang trại có quy mô nhỏ nhất là 1 ha, lớn nhất là 20 ha. Thu nhập cao nhất của trang trại trong năm 2009 đạt 500 triệu đồng, thấp nhất cũng thu 100 triệu đồng.

Để thay đổi tập quán canh tác còn nhiều lạc hậu của nhân dân trong xã, UBND xã còn chủ động tham mưu cho tỉnh, huyện lồng ghép các chương trình 134, 135 cũng như các hạng mục đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi; đưa giống lúa mới vào trồng cấy. Nhờ đó, sản lượng lương thực của xã liên tục tăng lên, lương thực bình quân đầu người của xã tăng từ 190kg/người/năm (năm 2000) lên 500kg/người/năm (năm 2009).

Từ xã đói nghèo và lạc hậu, đến nay Nậm Cang không còn nhà tạm, 100% được ngói hoá; có điện lưới quốc gia; 90% hộ gia đình có ti vi; 100% hộ gia đình có đài để nghe; 90% hộ gia đình có bể nước sạch nông thôn; trên 80% hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp quy cách; Internet không dây đã được phủ sóng đến nông thôn… Cả 3 cấp trường và trạm y tế của xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia,…