Người góp phần hồi sinh “vùng đất chết”

ThienNhien.Net – Từ vùng đất nhiễm phèn nặng, khu rừng tràm Nồi Gọ đã hồi sinh nhờ công sức của ông Nguyễn Văn Bé – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cùng các đồng nghiệp và bà con nhân dân.

Trong số những gương điển hình tiên tiến về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 8, ông Ba đất phèn, một nhà khoa học có tên gọi “đặc sệt” của vùng Đồng Tháp Mười đã gây ấn tượng cho khá nhiều người, bởi những việc ông cùng đồng nghiệp đã làm ở vùng đất này được nhiều người khâm phục.

Là người con của xứ dừa Bến Tre nhưng từ những năm 1980 ông Bé đã gắn bó với khu rừng tràm Nồi Gọ, Đồng Tháp Mười, Long An, khu rừng hoang nhiễm phèn nặng mà các nhà khoa học và chuyên gia nước ngoài đã xem là “vùng đất chết”. Ông vẫn tự nhủ, dường như mình và vùng đất này có duyên nợ, và cây tràm gió nơi đây đã cuốn hút ông.

Ông nhớ lại, người dân lúc đó chỉ sống được ở ven sông Vàm Cỏ Tây, vùng Nồi Gọ là một cánh rừng hoang thực sự. Ông cùng 3 kỹ sư đã nghiên cứu khai thác và bảo tồn khu rừng này. Đến nay, nhóm nghiên cứu có lúc lên đến 600 người.

Với vai trò là một nhà khoa học, là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và được giao cho nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác chế biến cây tràm gió ở rừng tràm Nồi Gọ, Mộc Hoá, Long An lấy tinh dầu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, ông đã mạnh dạn tự thiết kế và thi công. Trong 16 năm qua, ông và đồng nghiệp tham gia đào đắp trên 100km kênh mương, xây dựng nhà cửa, xưởng sản xuất, chế tạo hơn 70% thiết bị hiện có của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười.

Ngoài việc bảo tồn 800 ha rừng tràm gió nguyên sinh còn lại, Trung tâm còn giữ được nguyên trạng thảm thực vật và nguồn động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười, quy tập và bảo tồn 83 loài thực vật và 8 loài động vật làm thuốc.

Sau 10 năm bảo tồn, môi trường sinh thái nguyên trạng của Đồng Tháp Mười ngày xưa đã được phục hồi. Các loại chim đặc trưng của vùng như giang sen, trích, quốc, le le… đã quay về sinh sống ở khu vực.

Điều khiến ông Bé mừng nhất là Trung tâm đã xây dựng được mô hình huấn luyện phù hợp cho trình độ của thanh niên nông thôn, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề từ những người nông dân có trình độ văn hoá thấp.

Những sáng kiến của ông đã dần đi vào cuộc sống, xây dựng được các mô hình canh tác trên đất phèn, thuần hoá và chọn được một số giống cây con phù hợp, tạo mô hình hồ nổi để nuôi trồng thủy sản ở vùng đất phèn góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân. Năm 1998, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 4,5 triệu đồng/ năm đến năm 2008 đã tăng lên 12 triệu đồng/ năm.

Với những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Bé đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2009.

Những đề tài nghiên cứu của ông đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất như: trồng cây Tràm gió ở Long An, trồng cây cỏ ngọt và chiết xuất hoạt chất Steviosid, hoàn thiện quy trình trồng cây tràm Australia và chế biến tinh dầu, trồng cây đu đủ ở đồng bằng sông Cửu Long…