Quanh chuyện bình rượu ngâm rắn

ThienNhien.Net – Quan tâm đến món ẩm thực rượu rắn "sặc mùi hoang dã" của phương Đông, hai nghiên cứu sinh người Úc Ruchira Somaweera và Nilusha Somaweera đã làm một cuộc khảo sát về rượu rắn ở Việt Nam. Kết quả khảo sát đăng trên Tạp chí nghiên cứu về các loài bị đe doạ của Đại học Sydney số ra tháng 10/2010 kiến nghị: "Sự phổ biến và giá trị kinh tế của rắn trong việc sản xuất rượu rắn tại Việt Nam cho thấy cần phải xây dựng các chương trình sử dụng bền vững các loài này".

Mặc dù truyền thống sử dụng rượu rắn đã tồn tại ở châu Á từ nhiều thế kỷ nay nhưng việc thương mại hoá rượu rắn được cho rằng chỉ nở rộ kể từ khi các nước Đông Nam Á áp dụng chính sách mở cửa và phát triển ngành du lịch. Ngày nay, với một chút thao tác trên máy tính, người ta có thể dễ dàng mua vài bình rượu rắn từ bên kia bán cầu mà không cần phải tới tận nơi và thậm chí không phải đóng thuế.

Khảo sát ba thành phố lớn Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hạ Long và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – đều là những điểm đến du lịch của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã khoanh vùng đối tượng là các nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh.

Việc quan sát của nhóm không mấy khó khăn bởi rượu rắn được bày bán công khai, từ những sạp kinh doanh trên vỉa hè cho tới nhà hàng, khách sạn, sân bay. Nhóm đã ghi chép và phỏng vấn chi tiết tại 127 địa điểm kinh doanh.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, rắn được thu gom về từ các chợ lẻ địa phương. Rượu rắn sản xuất tại chỗ được bán trên các sạp kinh doanh nhỏ khá phổ biến. Trong khi đó, tại các thành phố lớn rượu rắn được cung cấp qua kênh trung gian nên việc xác định nguồn gốc khó khăn hơn. Lẻ tẻ một vài người bán nói rằng rượu của họ được cung cấp từ Trung Quốc và Thái Lan, tuy nhiên đa phần từ chối trả lời.

84% người bán rượu rắn được phỏng vấn cho biết khách nội địa tiêu thụ nhiều hơn khách du lịch nước ngoài. Một số khách phương Tây được hỏi trả lời rằng rất có thể họ sẽ mua rượu rắn, để làm quà chứ không tiêu dùng trực tiếp, song bản thân họ cũng còn đắn đo vì e ngại rắc rối với hải quan trong nước. Quan sát cũng đã cho thấy các đoàn khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc có mua rượu rắn ở Hà Nội và Hạ Long.

Việt Nam đã được thế giới công nhận về tính đa dạng sinh học và sự góp mặt của nhiều loài đặc thù, riêng có. Đến năm 2009, đã có 199 loài rắn được các nhà khoa học ghi nhận ở Việt Nam.

Thành phần các loài rắn bị khai thác khá đa dạng, có khoảng hơn 20 loài khác nhau. Phổ biến nhất là loài rắn nước (Xenochrophis flavipunctatus), chiếm tới 47,4%, tiếp đến là một số loài rắn roi thuộc chi Ahaetulla. Chúng đều là những loài vốn sinh sống phổ biến trong tự nhiên. Rắn độc thường được cả người mua lẫn người bán chuộng hơn, vì họ tin rằng nọc độc của rắn khi được hoà tan trong rượu sẽ có tác dụng tốt.

Kích cỡ bình và loại rắn ngâm quyết định giá của một bình rượu rắn. Mức dao động khá lớn, rẻ tiền cũng có loại ba chục, sáu chục ngàn, đắt thì có loại ba triệu hoặc hơn thế. Nhóm có giá cao nhất là rượu rắn hổ mang, với ba loài quan sát thấy là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), hổ mang kao-thia (N.kauthia) và hổ mang Xiêm (N.siamensis).

Cả ba loài này đều có tên trong Sách đỏ Việt Nam và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đặc biệt, loài hổ mang chúa được cảnh báo ở mức cực kỳ nguy cấp và có tên trong danh mục cấm buôn bán vận chuyển vì mục đích thương mại của Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Vì rắn nước cũng có mang bạnh như rắn hổ mang nên nhiều chủ tiệm/nhà sản xuất lợi dụng dán mác rượu rắn hổ mang để bán giá cao.

Các loài khác cũng bị ngâm rượu thuộc họ rắn bồng, rắn lục, trăn và một số loài rắn khác. Nhiều loài có tên trong Sách Đỏ (Việt Nam).

Không dừng ở việc xác định loài, nhóm nghiên cứu quan sát khá kỹ số lượng, kích thước rắn và việc ngâm chung các loại rắn với nhau, rắn với cá ngựa, chim, bọ cạp, rễ sâm….để phân tích quan niệm và thói quen của người tiêu dùng

Lý giải nguyên nhân vì sao rượu rắn có mặt phổ biến ở các nước Đông Nam Á, Đông Á và đặc biệt là Việt Nam, các tác giả cho rằng do hai yếu tố chính, đó là sự dồi dào nguồn nguyên liệu và yếu tố văn hoá. Tuỳ tập quán và truyền thống mỗi nơi mà việc gán rượu rắn với khả năng chữa trị các loại bệnh hay tẩm bổ cơ thể được truyền tụng một kiểu khác nhau, song nhìn chung dân gian tin tưởng rằng rượu rắn là rượu bổ, rượu thuốc rất linh nghiệm, bất chấp rằng chưa hề có cơ sở khoa học nào chứng minh được điều đó. Một số đàn ông tìm đến rượu rắn với niềm tin củng cố thêm bản năng trong vấn đề phòng the.

Về mặt bảo tồn, việc buôn bán rắn và rượu rắn đặt ra những lo ngại về sự tồn tại của họ hàng nhà rắn ngoài tự nhiên trong nay mai, đặc biệt là một số loài bị khai thác mạnh mẽ. Nhóm nghiên cứu cùng quan điểm với nhiều chuyên gia khác, cho rằng phần lớn rắn ngâm rượu ở Việt Nam có nguồn gốc từ tự nhiên, chỉ có một vài loài có nọc độc có thể được khai thác từ các trại nuôi nhốt. Trong khi đó, các điều khoản pháp luật liên quan đến bảo vệ và cấm khai thác, buôn bán rắn có nguồn gốc tự nhiên còn khá thưa thớt. Nỗ lực bảo tồn có liên quan đến rắn hiện tại chủ yếu là thông qua thực thi pháp luật, bắt giữ tang vật từ các vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Để trả lời cho câu hỏi nên cho phép khai thác rắn có nguồn gốc hoang dã ở mức độ nào thì có thể đảm bảo sự tồn tại bền vững quần thể các loài rắn ngoài tự nhiên cần có những nghiên cứu mở rộng. Song với cuộc khảo sát có thể gọi là tiên phong này, hai tác giả cũng đã khẳng định rằng với tình trạng khai thác và buôn bán rắn ngâm rượu mạnh mẽ như hiện nay, khó có thể đảm bảo các loài rắn sẽ còn đủ quân số để duy trì sự tồn tại lâu dài.