Giải quyết tận gốc xung đột nhờ EITI

ThienNhien.Net – Sáng kiến minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI) có mục tiêu nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên thông qua việc tăng cường minh bạch và trách nhiệm trong lĩnh vực khai khoáng. Liberia bắt đầu áp dụng EITI từ năm 2006 và đã có những bước tiến đáng kể. Với một đất nước vừa thoát khỏi xung đột vũ trang triền miên, những gì mà Liberia đạt được nhờ EITI trong việc tạo ra sự phát triển bền vững, gây dựng sự hòa hợp dân tộc và xây dựng lòng tin của người dân, đáng là bài học để chúng ta cùng suy ngẫm.

Sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên từ lâu đã trở thành trung tâm của các cuộc xung đột và lịch sử đầy biến động của Liberia, đồng thời cũng là nguồn gốc của nạn tham nhũng tràn lan ở đất nước này. Mặc dù có nguồn tài nguyên sắt, kim cương, vàng, gỗ và cao su giàu có, đất nước bị tàn phá bởi cuộc nội chiến 14 năm này vẫn bị đẩy xuống vị trí “đội sổ” về chỉ số Phát triển con người của Liên hiệp quốc.

Khi chiến tranh kết thúc và cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 2005, chính phủ mới dưới sự dẫn dắt của tổng thống Ellen Johnson Sirleaf đã cam kết đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và hòa hợp dân tộc thông qua chính sách minh bạch hóa nguồn thu từ ngành khai khoáng. Xuất phát từ mục tiêu đó, Liberia đã gia nhập Ủy ban EITI quốc tế và thiết lập Ủy ban EITI Liberia (LEITI) với tư cách là một thành viên có trách nhiệm thực thi EITI tại đất nước mình.

Nhận thức được tác động của nạn tham nhũng, quản lý yếu kém và sự mất lòng tin của người dân sau chiến tranh, LEITI đã nỗ lực để EITI được triển khai trong ngành khai mỏ, dầu khí và các ngành xuất khẩu chính khác, kể cả cao su và lâm nghiệp (quốc gia đầu tiên thực hiện điều này). LEITI cũng nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về sáng kiến này trên khắp đất nước thông qua các chương trình phát thanh, báo chí; công bố các dữ liệu liên quan tại mọi công trình công cộng của Liberia; tiến hành tham vấn rộng rãi trong cộng đồng về kết quả Báo cáo EITI đầu tiên. Báo cáo công khai này đã thu hút sự quan tâm rộng khắp của các cộng đồng người Liberian trong và ngoài nước.

Báo cáo EITI đầu tiên của Liberia mang lại điều gì?

Báo cáo EITI đầu tiên của Liberia công bố các loại thuế và các khoản đóng góp từ các công ty khoáng sản, lâm nghiệp và nguồn thu tương ứng mà Chính phủ nhận được. Số tiền thuế được trình bày trên cơ sở báo cáo thuế của từng công ty, có sự phù hợp giữa khoản nộp với khoản thu ngân sách được báo cáo. Nhờ thế bất cứ sự thiếu trùng khớp nào giữa báo cáo nộp ngân sách của công ty và báo cáo nguồn thu của Chính phủ đều được thể hiện một cách rõ ràng.

Thuế và các khoản đóng góp ngân sách khác từ các công ty là nguồn đóng góp quan trọng đối với sự phát triển bền vững và ổn định của Liberia. Tuy nhiên, trên thực tế, ý nghĩa của những đóng góp này không phải bao giờ cũng được thừa nhận, thậm chí ngay ở chính các cộng đồng mà dự án được triển khai. Báo cáo EITI đã giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về đóng góp thực sự của các công ty khai khoáng hoạt động tại địa phương.

Câu chuyện xảy ra với Công ty ArcelorMital có thể coi là một ví dụ về lợi ích mà doanh nghiệp thu được nhờ minh bạch thông tin với công chúng qua EITI. Công ty khai khoáng ArcelorMittal toàn cầu đặt tại Luxemburg từng là đối tượng bị chỉ trích và nghi ngờ từ phía người dân Liberia khi Hiệp ước Phát triển Khoáng sản trị giá một tỷ USD mà công ty ký với chính phủ tiền nhiệm của Liberia đã bị chính phủ đương thời từ chối với lý do không phục vụ lợi ích của Liberia.

Song báo cáo LEITI cho thấy, ArcelorMittal đã thực hiện mọi nghĩa vụ nộp thuế và gần 24 triệu USD mà chính phủ nhận được từ Công ty này chiếm 3/4 tổng số thuế thu được từ ngành khai thác mỏ, dầu khí và lâm nghiệp của nước này trong thời gian từ 01 tháng 7 năm 2007 đến 30 tháng 6 năm 2008.

Điều quan trọng là khoảng 7 triệu USD trong tổng số tiền ArcelorMittal đóng góp là phục vụ lợi ích trực tiếp của các cộng đồng nơi công ty hoạt động. Vì theo thỏa thuận, ArcelorMittal sẽ chi trả 3 triệu USD hàng năm cho các cộng đồng này trong thời gian hoạt động tại Liberia.

Báo cáo LEITI do đó đã là một sự xác nhận độc lập rằng khoản phúc lợi dành cho các cộng đồng chỉ định đã được ArcelorMittal đáp ứng và Chính phủ Liberia cũng thừa nhận đã thay mặt cho cộng đồng nhận khoản đóng góp.

Nói về ý nghĩa của EITI với công ty mình nói riêng, ông Joe Mathews, Giám đốc điều hành của AreclorMittal-Liberia cho biết: “EITI đóng vai trò quan trọng trong quan hệ của chúng tôi với các bên liên quan, giúp chúng tôi kết nối với các cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động và với chính phủ. Tham gia vào EITI cũng giúp chúng tôi duy trì các nguyên tắc mạnh mẽ về trách nhiệm doanh nghiệp mà chúng tôi tin tưởng, thông qua sự hỗ trợ hoạt động kinh doanh công bằng và minh bạch…”.

 Báo cáo EITI đầu tiên đã cho thấy một sự sai lệch lớn liên quan đến khoản nộp thuế thu nhập hơn 100.000 USD của công ty AmLib mà chính phủ Liberia cho rằng chưa nhận được. Cuộc điều tra sau đó đã khám phá ra là khoản thuế trên không đến được nguồn thu chính thức của Chính phủ. Sau khi xác định được nguyên nhân là do lỗ hổng tài chính của mình, Amlib đã cam kết nộp lại cho Chính Phủ khoản thuế trên. Đại diện của AmLib sau đó đã tham gia nhiều cuộc họp tại địa phương để trực tiếp giải trình với cộng đồng dân cư và chia sẻ về những giải pháp mà họ đang thực hiện để đảm bảo rằng sự việc tương tự không xảy ra.

Báo cáo cũng giúp xác định sự thiếu trùng khớp giữa khoản đóng góp của công ty với báo cáo nguồn thu của Chính phủ. Sự thiếu trùng khớp thường là không đáng kể, có lẽ chỉ phát sinh bởi khoảng cách trong việc phân loại nguồn thu của chính phủ với khoản đóng góp từ doanh nghiệp.

Báo cáo cũng làm rõ con số những khoản chi mờ ám, chưa rõ ràng và “điểm mặt chỉ tên” các công ty chưa báo cáo. Điều này đặc biệt thu hút sự quan tâm và thảo luận trong cộng đồng.

Ai đang hoạt động khai khoáng ở địa phương? Họ đóng góp gì và cho ai? Tại sao có nguồn đóng góp này? Dự án tác động tới cộng đồng ra sao? Làm thế nào để lên tiếng với chính phủ và với chính các công ty? – Thông qua LEITI những câu hỏi này đã được thảo luận một cách cởi mở, thẳng thắn, ôn hòa giữa cộng đồng với các công ty và chính phủ. EITI cũng được cộng đồng tận dụng như một cơ hội để đặt câu hỏi về cách thức sử dụng và phân bổ nguồn thu và về lợi ích mà cộng đồng xứng đáng được hưởng từ nguồn tài nguyên của họ.

Đạo luật LEITI

 “Lòng tin là tài sản lớn nhất mà một quốc gia có thể có. LEITI là một bước đi quan trọng thúc đẩy những nỗ lực của Liberia để cam kết với các đối tác, để nói về nguồn tài nguyên của chúng ta và xây dựng lòng tin trong cộng đồng chúng ta”. (Tổng thống Liberia, Ellen Jonhson-Sirleaf)

Tháng bảy năm 2009, sau khi Báo cáo EITI đầu tiên được công bố, Đạo luật LEITI đã đi vào cuộc sống. Đạo luật quy định tất cả các cơ quan chính phủ và các công ty khai khoáng phải thực hiện các thủ tục mà EITI Liberia đưa ra.

Đạo luật này còn đi xa hơn các yêu cầu của EITI ban đầu khi yêu cầu các khoản thuế của từng công ty, hợp đồng dự án và giấy phép phải được công bố rộng rãi. Điều này một lần nữa đảm bảo với người dân và các chủ đầu tư rằng tất cả các công ty khai khoáng hoạt động tại Liberia cho dù đến từ quốc gia nào cũng được làm việc trong một môi trường minh bạch và đáng tin cậy, và rằng EITI là một diễn đàn mà các bên liên quan có thể cất tiếng nói bày tỏ mối quan ngại của mình.

Theo Đạo luật này, công ty nào từ chối báo cáo sẽ bị truy tố theo pháp luật.

Xây dựng lòng tin ở một đất nước giàu tài nguyên mới trải qua nhiều năm xung đột như Liberia có thể mất nhiều năm, nhưng LEITI đã thành công trong việc đặt những viên gạch vững chãi để xây dựng một môi trường khuyến khích sự tái hòa hợp dân tộc và phát triển bền vững.

 EITI thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch trong khoai thác mỏ, dầu và khí tự nhiên. Được khởi xướng từ năm 2002,  hiện nay EITI đã lan tỏa rộng rãi với sự tham gia của nhiều cơ quan và thể chế quốc tế bao gồm cả Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Ngân hàng thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EITI đặt mục tiêu tăng cường quản lý bằng cách cải thiện sự minh bạch và trách nhiệm trong ngành khai khoáng thông qua việc công bố đầy đủ thông tin của các công ty khai thác và nguồn thu của chính phủ từ khai khoáng, dầu mỏ và khí tự nhiên. Tiêu chuẩn này đã được giám sát bởi liên minh của các chính phủ, các công ty và các xã hội dân sự ở cả cấp độ quốc tế và trên cả 30 quốc gia áp dụng. EITI là một công cụ thiết thực nhằm đảm bảo rằng các tiêu chuẩn toàn cầu được tuân thủ trên tất cả các đất nước áp dụng. Ủy ban EITI là tổ chức bảo vệ công cụ đó, còn việc áp dụng IETI lại là trách nhiệm của các nước thành viên.

Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng