Nỗi khổ cá tra

ThienNhien.Net – Cá tra – "cần câu cơm" của bà con Đồng bằng sông Cửu Long mới đây đã bị đưa vào danh sách đỏ của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF). Sự việc có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu bà con nuôi trồng thủy sản ở vùng sông nước này đã thổi bùng lên những bất bình từ các nhà quản lý, doanh nghiệp trong nước.

Thực ra “danh sách đỏ” của WWF mà báo chí trong nước nhắc đến trong thời gian qua nằm trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản áp dụng cho một số nước châu Âu, không phải là danh sách đỏ về các loài động vật hoang dã bị đe doạ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). 

Trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng được chi tiết hoá cho từng quốc gia này, Danh sách đỏ bao gồm các loại thủy sản mà người tiêu dùng không nên sử dụng, Danh sách Vàng có nghĩa người tiêu dùng nên cân nhắc và Danh sách Xanh nghĩa là khuyến khích nên tiêu dùng.

Cá tra – loài cá đã gắn bó với bà con ĐBSCL từ 10 năm nay, đã lọt vào tốp 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ và một số thị trường châu Âu. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam chiếm đến 99,9% thị phần thế giới. Với quy hoạch phát triển của ngành thủy sản, diện tích nuôi loài cá này trong 10 năm tới sẽ tăng gấp đôi, lên 13.000 hécta, với sản lượng hàng năm dự kiến 2 triệu tấn và nguồn thu khoảng trên 2 tỉ USD từ xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc WWF đưa cá tra vào Danh sách đỏ cũng đồng nghĩa với lời khuyên người tiêu dùng châu Âu cần phải tẩy chay loài cá này khỏi thực đơn của họ và tìm sản phẩm thay thế khác “sạch hơn”. Trang điện tử nước ngoài về thủy sản Intrafish Media cho biết loài cá tra vốn trước đã bị xếp trong “danh sách vàng” của WWF. Nay chúng bị “hạ bệ” với hàng loạt lí do được WWF đưa ra như sự bất ổn về môi trường nuôi trồng, bao gồm cả việc sử dụng thức ăn, hóa chất và chất lượng nước không đạt yêu cầu…

Công bố của WWF ngay lập tức gặp phải các ý kiến phản đối tại Việt Nam và một số tập đoàn bán lẻ nước ngoài, vì cho rằng khuyến cáo của WWF thiếu cơ sở và bằng chứng xác thực.

Điều đáng chú ý, như một số tờ báo trong nước đưa tin, là WWF đưa ra thông tin này ngay sau khi cá tra Việt Nam bị “đánh hội đồng” trên thị trường châu Âu và bị áp đặt thuế nhập khẩu cứng rắn tại Mỹ, còn Hiệp hội cá da trơn Mỹ chơi xấu với chiêu bài “bôi bẩn” cá tra và kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm cá tra của Việt Nam. Chuỗi sự việc liên tiếp khiến người ta không khỏi nghi ngờ về công bố của WWF – một trong những tổ chức bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới.  

Thậm chí, chính dư luận Mỹ cũng không đồng tình với CFA. Điển hình là Viện Ngư nghiệp quốc gia Mỹ đang nỗ lực chống lại hình ảnh tiêu cực do CFA cố tình áp đặt đối với cá tra Việt Nam. Nhiều tập đoàn bán lẻ thủy sản tại Anh như Findus Group và Birds Eye Group cũng lên tiếng bảo vệ sản phẩm cá tra và môi trường nuôi cá tra.

Được biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên, VASEP đã gửi thư cho người đứng đầu WWF Mark Powell để phản đối và mời đại diện WWF sang Việt Nam đi thăm thực tế các trại nuôi cá cũng như toàn bộ quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá tra. Ông Mark Powell đã đồng ý và nhận lời tháng 5 năm sau sẽ sang Việt Nam.

Theo đánh giá của thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Vũ Văn Tám, việc một tổ chức có uy tín trên thế giới như WWF đưa ra quyết định vội vã như vậy là khó chấp nhận. Cơ sở và động cơ của công bố này chưa rõ, song nó gây ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi và kinh doanh mặt hàng này. Bộ sẽ kiểm tra lại thông tin từ WWF sau đó đưa ra hướng giải quyết. 

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên sớm thành lập Hiệp hội những người nuôi cá tra-basa để giúp tiếng nói của người dân tham gia nuôi trồng thủy sản có trọng lượng hơn. Đến thời điểm này, chưa có bất cứ thông chính thức nào từ Văn phòng WWF tại Việt Nam.