Bảo tồn rừng quý vùng biên – Kỳ cuối

ThienNhien.Net – Tôi ghé nhìn cuốn sổ mà anh Lục Văn Khai đang hí hoáy ghi chép: <i>“15h05’ ngày XX, tại khu vực Lũng Đảy, quan sát thấy một đàn vượn Cao Vít đi kiếm ăn, có 5 cá thế, trong đó có 1 con non. Thời gian quan sát trực tiếp và bằng ống nhòm: 10 phút”.</i> Gần 3 năm nay, 6 thành viên tổ tuần rừng vẫn miệt mài tuần tra và lội rừng để có được những thông tin tưởng chừng rất đơn giản ấy…

Chuyện những người tuần rừng

Như tôi đã có dịp giới thiệu, sáng kiến lập ra tổ tuần rừng xuất phát từ dự án bảo tồn của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI). Tổ được thành lập năm 2005, cả tổ có 6 người thì 5 người là dân bản địa, cộng với một thành viên kiêm nhiệm của lực lượng Biên phòng với sự giám sát của Ban quản lý Khu bảo tồn.

Mỗi chuyến tuần rừng của các anh ngắn thì cũng đôi, ba ngày, nhiều thì cũng tới cả tuần làm việc. Không quá dài, nhưng mỗi chuyến đi là một lần sắp xếp, mang vác đầy đủ các trang thiết bị phục vụ tuần rừng và giám sát Vượn, gạo, muối, cũng như các nhu yếu phẩm khác. Và thứ quan trọng nhất không thể thiếu, đó là nước. Nước được gánh từ bìa rừng vào tận lán nghỉ ở giữa rừng, nứơc phải đủ dùng cho cả nhóm trong những ngày tuần tra.

Để vào được tới trạm tuần rừng đặt ở trung tâm vùng lõi Khu bảo tồn phải đi qua đoạn đường đá gập ghềnh từ cửa rừng với chừng 3 tiếng đồng hồ vượt đèo, xuyên rừng. Gọi là trạm tuần rừng nhưng ở đây còn là nơi nghỉ lại qua đêm trong rừng cho các đoàn nghiên cứu và cũng là điểm để quan sát Vượn. Từ đây, tổ mới phân công thành nhóm nhỏ di chuyển lên các điểm quan sát vượn đã được định vị sẵn trên bản đồ. Hầu hết 16 điểm quan sát đều là những đỉnh núi cao nhất trong khu vực vùng lõi, nơi có thể theo dõi những động tĩnh của đàn vượn rõ nhất. Quãng đường lên được các điểm quan sát này thực sự là thử thách, xa xôi và hiểm trở.

Đường rừng dốc đá, trơn trượt, nhất là những ngày mưa. Mỗi năm hai bộ trang phục rằn ri, một bộ hè, một bộ đông với hai đôi giày chuyên để đi rừng dường như còn quá ít đối với tổ tuần rừng. Những chuyến tuần tra thường xuyên, vượt đá cứng và những những mỏm đá tai bèo sắc nhọn nhanh chóng tàn phá những đôi giày bảo hộ của các anh. Nếu chỉ với sức khoẻ không thôi, chắc chắn các anh đã không thể trụ lại với công việc tuần rừng suốt mấy năm qua. Những cống hiến của họ đối với sự tồn tại và hồi phục của đàn vượn Cao Vít thật khó mà đo đếm.

Những thông tin về đặc điểm của đàn vượn, tiếng hót của chúng khi các anh bắt gặp đều được ghi chép cẩn thận, kết hợp với những thông tin chia sẻ từ kiểm lâm nước bạn nên hiện trạng các đàn vượn Cao Vít luôn được giám sát, bổ sung số liệu mới nhất.

 
Đường lên điểm quan sát D2. (Ảnh: Hạ Đình).

Khu bảo tồn có vùng lõi rộng 1.656,8 ha, trong đó, diện tích sinh sống và di chuyển của đàn vượn khoảng 900ha. Trên nền màu xanh của rừng, dấu vết rừng già một thời hầu như không còn được nhận ra bởi những cây gỗ lớn đã bị đốn hạ nhiều. Trong khi đó, những cánh rừng vùng đệm nơi có ý nghĩa rất lớn để bảo toàn giá trị đa dạng sinh học trong vùng lõi, có thể nói hầu như không còn cơ hội phục hồi trở lại.

Trước đây, việc chăn thả gia súc tự do, đặc biệt là việc người dân tại các thôn tiếp giáp với Khu bảo tồn phát triển các đàn dê thả chúng lên rừng, khai thác gỗ củi bán sang Trung Quốc và sử dụng hàng ngày đã khiến tài nguyên rừng nơi đây bị suy giảm nhanh chóng.

Ông Đinh Xuân Khánh, người dân thôn Pác Ngà, xã Ngọc Côn cho biết: “Ngày trước những cánh rừng này đã bị khai thác nhiều, do người dân lấy làm củi đun và do phong trào nuôi dê ở địa phương. Đàn dê lên đến hàng nghìn con của nhiều hộ dân trong xã được nuôi thả trong rừng (rừng của gia đình được khoán chăm sóc và rừng của Khu bảo tồn), chúng ăn nhiều đến nỗi cây rừng không mọc được nữa.”

Trong chương trình di dời đàn dê nuôi ở vùng đệm do UBND huyện Trùng Khánh ra quyết đinh, tổ tuần rừng chính là lực lượng xung kích thực hiện. Số lượng hộ nuôi dê trong cộng đồng tuy không quá nhiều, song sự phản đối của những hộ này rất quyết liệt. Không ít lần tổ tuần rừng chịu những lời lẽ gay gắt từ bà con chòm xóm. Thậm chí, có người đã mang dê buộc ngay trước nhà anh Sum (tổ trưởng) để phản đối.

Nhưng vì lợi ích chung, các anh chấp nhận nó với hy vọng bà con sẽ dần hiểu ra lý lẽ. Rồi bà con sẽ nhận ra là mình làm như thế cũng chính là tốt cho bà con, làng bản của vùng quê vốn nghèo khó này.

Chưa dứt mối lo

Ở bất cứ khu bảo tồn nào trên cả nước, khi cuộc sống người dân chưa được ổn định, áp lực lên khu bảo tồn và nguy cơ xâm hại giá trị đa dạng sinh học, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên vẫn còn thường trực, với Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít cũng vậy.

Gần như toàn bộ các hộ dân vùng đệm Khu Bảo tồn đều sử dụng củi làm chất đốt chính. Một cuộc điều tra cách đây vài năm của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) về nhu cầu sử dụng củi đun của người dân sống trong Khu Bảo tồn cho biết trung bình mỗi hộ dân ở đây dùng trung bình từ 18 đến 20kg củi mỗi ngày, vào mùa đông lượng củi bà con lấy về tăng gấp đôi để sưởi ấm.

Từ trước khi Khu Bảo tồn được thành lập, nhiều diện tích rừng nơi đây đã được giao cho hộ gia đình quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Những khoảnh rừng này cũng là nơi chịu nhiều áp lực cung cấp củi đun nhất cho người dân. Hiện tại, vẫn còn hàng trăm ha rừng vùng đệm người dân nhận giao từ trước khi thành lập ban quản lý Khu bảo tồn.

Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn Cao Vít, ông Nông Văn Tạo chia sẻ băn khoăn với chúng tôi “Dù rằng việc quản lý và ý thức của người dân đã tốt hơn so với trước khi Khu bảo tồn được thành lập nhưng những nguy cơ đối với rừng thì vẫn còn trước mắt. Không dễ để hạn chế những nhu cầu rất cơ bản của bà con như dùng củi để đun nấu và sưởi ấm, gỗ để làm mới và sửa nhà, làm phai nước và guồng cọn “.

Đi vào con đường bảo tồn dĩ nhiên là lựa chọn cho mình con đường chông gai, thử thách. Nhưng rừng sẽ vẫn còn đó, khi các anh còn nhiệt huyết, như lời tâm sự giản dị của anh Sum: “Cũng có lúc bọn mình thấy tự hào chứ bởi cố gắng của mình đã mang lại kết quả. Được tiếp xúc với các đoàn công tác, các nhà nghiên cứu giúp mình có thêm hiểu biết và thấy mỗi chuyến tuần rừng vất vả của mình có ý nghĩa hơn”.

Cơ hội cho đàn Vượn trở về

Ai cũng biết nguyên nhân chính đưa đến sự tuyệt chủng cho các loài động hoang dã là bị săn bắt và mất đi sinh cảnh sống của chúng. Nghĩ tới điều đó, tôi thực sự lo ngại tới tương lai của những chú vượn tinh nghịch ở đây. Gần hai mươi đàn vượn đang sống chung với ba loài linh trưởng khác chỉ trong vẻn vẹn chín trăm ha rừng như một hòn đảo bị bị cô lập.

Tôi đem băn khoăn này nói chuyện với anh em trong đoàn, anh Nông Văn Hay, kiểm lâm địa bàn và là người phụ trách giám sát chính công việc của anh em tuần rừng và cũng là người có gắn bó ngay từ đầu với Khu bảo tồn cho biết “Đây đúng là vấn đề hết sức băn khoăn của các nhà bảo tồn và ban quản lý. Một khi đàn vượn được bảo vệ tốt chúng sẽ cần nhiều sinh cảnh hơn để tồn tại và phát triển. Cũng vì vậy mà FFI đang hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình phục hồi sinh cảnh cho vượn”.

Trao đổi riêng với anh Cường, quản lý dự án Bảo tồn Vượn Cao Vít – FFI, tôi được biết thêm mở rộng và tăng chất lượng sinh cảnh sống cho vượn bằng cách phục hồi lại rừng đã được thống nhất đồng thực hiện bởi của hai khu bảo tồn phía Việt Nam và Trung Quốc. Thực tế cho thấy rừng phục hồi nhanh hơn, nhưng điều quan trọng nhất là có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và của người dân hai nước vì sự trở lại của những “công dân đặc biệt” qua biên giới mà không hộ chiếu, không giấy thông hành.

Đến lúc này tôi mới nhớ lại khi bắt đầu bước chân từ làng đi vào rừng, qua các triền núi phía bìa rừng các anh tuần rừng đã nói với tôi là những vạt rừng này đang được hồi sinh vì trước đây khi bà con còn chăn thả dê, trâu, bò lên rừng thì khu vực này gần như đã bị gặm sạch, cũng kỳ lạ chỉ có sau hai năm di dời đàn dê và thực hiện hương ước thôn bản trong việc kiểm soát chăn thả gia súc đã đem lại một màu xanh hy vọng cho đàn vượn với ngôi nhà mới đang được hình thành.

Ngày đoàn rời khỏi khu bảo tồn, đi dọc con đường qua các thôn bản nằm ngay sát khu bảo tồn chúng tôi gặp các em nhỏ đi học về đang đứng đợi nhau bên đường. Nhìn thấy các anh kiểm lâm và tuần rừng nói chuyện với các em rất hào hứng, tôi chợt thấy tò mò và sau được biết là các em khoe với mọi người rằng ở trường đã có rất nhiều bạn được nghe tiếng vượn hót ở ngay rặng núi sau thôn. Điều này quả thật tuyệt vì chắc chắn không chỉ riêng tôi mà người dân ở đây đang cảm nhận được rất rõ những dấu hiệu cho thấy đàn vượn đang trở về.

Tổ tuần rừng trong một chuyến công tác:

 
 Xác định vị trí các điểm quan sát
 
 Phút nghỉ ngơi trên đường tuần tra
 
 Chọn vị trí đứng quan sát
 
… và lắng nghe vượn Cao Vít hót.

Bảo tồn rừng quý vùng biên – Kỳ 1

Bảo tồn rừng quý vùng biên – Kỳ 2