Vì sao cán bộ Vườn Quốc gia Xuân Sơn bỏ việc hàng loạt?

Đã nhiều lần đến với Vườn Quốc gia Xuân Sơn nhưng chưa bao giờ tôi thấy vắng lặng như lần này khi cán bộ xin chuyển, xin nghỉ ra làm ngoài, thậm chí làm shipper…

Rừng xanh còn phận người bảo vệ lại bạc trắng

Những dãy nhà phủ rêu phong, còn những người từng làm việc ở đó giờ phiêu bạt tận phương trời nào. Rừng thì vẫn xanh ngằn ngặt, còn phận kẻ giữ rừng lại bạc trắng như vôi. Tôi lân la hỏi chuyện thì anh Phạm Văn Long – Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) ngậm ngùi cho biết: Cán bộ xin chuyển, nghỉ việc là tình trạng chung của các Vườn Quốc gia cũng như các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bởi đang có những  bất cập.

Thứ nhất là về tổ chức, định biên biên chế không đồng nhất. Trước kia, Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng quy định bình quân cứ 500 ha rừng/người bảo vệ rừng, giờ theo Luật Lâm nghiệp mới năm 2017 lại chưa được thể hiện rõ. Cả nước đang có 34 vườn quốc gia, trong đó 6 vườn trực thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, còn lại 28 vườn trực thuộc tỉnh, có tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý, biên chế các Vườn Quốc gia không đồng nhất về định mức. Như Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích hơn 15.000 ha, được giao 33 biên chế, hiện có mặt 22 biên chế (thiếu 11 biên chế do luân chuyển cán bộ và thôi việc).

Kiểm tra bảo vệ rừng. Ảnh: Tư liệu.

Thứ nữa là chế độ cán bộ công nhân viên chức quá thấp bởi các Vườn Quốc gia đang được tính là đơn vị sự nghiệp. Nếu có thu dịch vụ môi trường rừng họ còn cải thiện được đời sống, còn nếu không có thu, cứ tính theo hệ số nhân với lương chứ không có đặc thù gì khác. Dịch vụ môi trường rừng ở đây chưa được thực hiện, nhiều Vườn Quốc gia khác cũng thế.

Hơn nữa trách nhiệm của các đội chuyên trách bảo vệ rừng trong Vườn Quốc gia không như viên chức chỉ làm 8 tiếng/ngày là xong. Xảy ra phá rừng lúc tối, nửa đêm họ cũng không tránh khỏi phải chịu trách nhiệm. Ở vùng sâu vùng xa mà chỉ có hệ số lương nhân với 0,4 khu vực, như kỹ sư mới vào hệ số lương 2,34 nhân với tiền khu vực chỉ được hơn 3 triệu/tháng.

Trong Vườn Quốc gia, với trách nhiệm là chủ rừng, họ làm việc chủ yếu ngoài trời, đặc biệt 6 tháng mùa hanh khô vẫn phải trực đêm, trực ngày và đảm bảo 2/3 quân số. Có những trạm như Kim Thượng quản lý hơn 4.000 ha rừng với 4 xóm vùng đệm có người dân sinh sống trong khu vực, địa bàn rất sâu, xa. Hàng ngày cán bộ của Vườn phải đi cùng cán bộ địa phương và bà con được giao khoán rừng để kiểm tra, nếu xảy ra vụ việc phá rừng thì lại phải chịu trách nhiệm vì là chủ rừng, bị kỷ luật ngay, thậm chí có thể bị truy tố dù đó có thể là những tình huống “bất khả kháng”.

Bữa ăn của anh em ở giữa rừng. Ảnh: Tư liệu.

Viên chức của Vườn Quốc gia lương trung bình 4-5 triệu/tháng lại xa nhà cả tuần hay vài tuần mới về với vợ con được, không giúp gì được gia đình. Vì vậy, đơn vị có 33 biên chế thì giờ chỉ còn 22. Vừa rồi 5 người bỏ về làm công việc khác, thậm chí làm shipper dù rằng có bằng đại học, thạc sĩ, đã được viên chức hay cả Trưởng phòng Khoa học, số còn lại là xin chuyển. Có những người xin nghỉ anh rất tiếc vì năng lực tốt, vì sự nhiệt tình. Bố mẹ của họ cũng đã khóc bởi tiếc công bao nhiêu năm nuôi con ăn học, bao nhiêu năm con họ gắn bó với rừng…

Tuy thiếu biên chế, nhưng cán bộ của Vườn Quốc gia vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng, căng người ra mà trực, mà giữ. Trước đây họ có ưu đãi 70% lương nhưng chỉ được 5 năm, giờ không còn nữa. Nhiều Vườn Quốc gia đều chung hiện trạng như thế.

Bên một gốc nghiến cổ thụ. Ảnh: Tư liệu.

“Rừng đa số ở vùng sâu, vùng xa, tính chất công việc của người giữ rừng đều ở ngoài trời, để giữ được người nên xem xét lại chế độ cho họ. Cán bộ giáo dục, y tế ở trên này đều có chế độ riêng đằng này chúng tôi không có đã đành nhưng cùng trong ngành nông nghiệp như khuyến nông, bảo vệ thực vật có chế độ xuống đồng còn chúng tôi có 6 tháng trực mùa hanh khô nhưng lại không được chế độ. Vậy cần có một chế độ ưu đãi đặc thù đối với các Vườn Quốc gia, các Ban quản lý rừng đặc dụng.

Hiện nay, theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định 01 về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thì lực lượng bảo vệ rừng chính được định hướng chuyển sang Đội chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thực tế đã phát sinh những bất cập về chế độ, chính sách, nhiệm vụ, quyền hạn đối với cán bộ viên chức. Cụ thể, giữa viên chức kiểm lâm và viên chức chuyên trách bảo vệ rừng có cùng một nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng tại các Ban quản lý rừng đặc dụng nhưng chế độ về lương, phụ cấp, chức năng, quyền hạn trong thực hiện hiệm vụ lại khác nhau. Vì vậy, cần phải đồng nhất giữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng chung trên cả nước”, anh Long nhấn mạnh.

Bỏ việc đa số là những người trẻ, những người còn bám trụ với rừng chủ yếu đã đứng tuổi, có nhiều năm công tác nên phấn đấu đủ năm đóng bảo hiểm rồi thôi.

 

Rừng nghiến cổ thụ đang thay vỏ. Ảnh: Tư liệu.

Điều xót xa không muốn nói

Và điều mà anh Phạm Văn Long-Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn không nói ra nhưng khi tôi tiếp xúc với một số Giám đốc Vườn Quốc gia, Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thấy họ rất bức xúc rằng, trước khi về hưu vẫn lương ở mức 4.98 dù khi vượt khung, đủ hết tiêu chuẩn, đáng lẽ được thi chuyên viên chính nhưng lại chưa bao giờ đến lượt. Họ ngậm ngùi so sánh, cùng là ngành nông nghiệp, cùng là bảo vệ rừng, bên kiểm lâm rất quan tâm đến chuyện này, thành lập hẳn hội đồng riêng ở trên để lo thi chuyên viên chính, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ.

Đằng này, ở tỉnh, những người vượt khung lương trong các Vườn Quốc gia, Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như họ sẽ vào danh sách của Sở Nông nghiệp & PTNT với hàng chục đầu mối các đơn vị bên dưới, cả công chức lẫn viên chức, tổng số cỡ cả trăm, cả ngàn người. Trong khi đó chỉ tiêu mỗi năm thi chuyên viên chính của tỉnh chỉ được một ít, phân bổ cho từng ngành, rồi từng ngành lại phân bổ tiếp, không biết bao giờ đến lượt những người ở vùng sâu, vùng xa đang giữ rừng? “Trong hệ thống các Vườn quốc gia, Ban quản lý các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cán bộ làm lâu năm, thử hỏi có người nào được thi chuyên viên chính chưa? Tại sao không quan tâm tổ chức cho người ta cứ 5 năm 1 đợt thi?”. Một cán bộ giữ rừng đã nói thẳng với tôi như thế.

Bên một gốc nghiến cổ thụ. Ảnh: Tư liệu.

Chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, khi các Vườn Quốc gia còn trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, còn Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh, chế độ ưu đãi là giống nhau. Sau này Chi cục Kiểm lâm về trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT, còn các Vườn Quốc gia cũng trực thuộc theo, vẫn những con người đấy, vẫn công việc đấy nhưng cơ chế đãi ngộ lại khác hẳn.

Đất lâm nghiệp đang có giá trị cao, thu hút lắm nguồn lực đầu tư của xã hội, nhiều người dân dần đã biết làm giàu nhưng những cán bộ bảo vệ rừng chân chính thì vẫn còn nghèo, vẫn còn nhấp nhổm với những mối lo riêng tư.

Cách Hà Nội khoảng 120km, Vườn quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam.

Một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ của mùa xuân, buổi trưa ấm áp của mùa hè, buổi chiều hiu hiu như mùa thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa đông. Vườn có 365 loài động vật trong đó có 46 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong Sách đỏ Thế giới, riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc. Bên cạnh đó, vườn còn có 726 loài thực vật bậc cao trong đó có các loài re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Rừng chò chỉ ở đây là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc và quần thể rau đắng mọc tự nhiên ở đây có mật độ cao nhất miền Bắc.