Đoàn liên ngành khảo sát dự án bô-xít Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Trong hai ngày 06-07/11, đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và một số nhà khoa học độc lập đã có cuộc kiểm tra, khảo sát 2 dự án bô-xít ở Tây Nguyên.


Tại Dự án Tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng, ông Nghiêm Vũ Khải Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, có nhiều yếu tố để có thể đánh giá hiệu quả của dự án. Riêng về vị trí dự án, ông Khải cho rằng có điều kiện khá thuận lợi cho khai thác.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), kỹ thuật hồ bùn đỏ được thiết kế bởi Viện SAMI – Trung Quốc có đủ năng lực và kinh nghiệm quốc tế.

Hồ bùn đỏ được đặt trong thung lũng và ở khu vực có lưu vực nhỏ, cách xa khu vực dân cư tập trung và hệ thống sông suối lớn. Các bể chứa bùn đỏ của TKV được chia thành 8 khoang nhỏ, với diện tích mỗi khoang chứa khoảng 14 – 16 héc ta. Các khoang vận hành theo cơ chế lần lượt 1 khoang hoạt động thì có khoang phụ dự phòng để chứa nước lũ tràn trong trường hợp có đột biến về lượng mưa vượt ngưỡng dự tính. Với nguyên tắc trên, thiết kế đã lựa chọn 2 hồ chứa bùn đỏ số 1 và số 2, đảm bảo dung tích chứa 36 năm.

Hồ bùn đỏ được thiết kế chống thấm ở đáy hồ và xung quanh bờ hồ. Trên lớp chống thấm có lớp thu dung dịch chứa nhiều nước xút với độ pH cao sẽ được dẫn về trạm bơm thu hồi để bơm về bể tập trung và tuần hoàn tái sử dụng trong dây chuyền công nghệ sản xuất alumina.


Hệ thống các cửa cống vừa được điều chỉnh bổ sung nhằm tăng tính an toàn của hồ bùn đỏ. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Bên cạnh đó, các đập chắn, chia khoang chứa bùn đỏ được thiết kế với hệ số an toàn cao bảo đảm khả năng chịu tác động của động đất cấp 7.

Ngoài ra một đập dự phòng cách đập cuối cùng của hồ bùn đỏ khoảng 100m. Dưới đập dự phòng có cống thoát nước mặt kiểu cánh phai để đóng lại khi có sự cố xảy ra nhằm ngăn không cho bùn đỏ thoát ra ngoài (đây là cửa thông duy nhất của thung lũng ra ngoài).

Hệ thống kênh ngăn nước bao bọc xung quanh hồ bùn đỏ để hướng lượng nước mưa chảy ra ngoài hồ bùn đỏ. Đồng thời trong mỗi khoang chứa còn có cống tràn sang khoang dự phòng để đảm bảo lượng nước trong hồ bùn đỏ đang hoạt động không tràn qua đập ngăn khi có mưa lớn vượt mức tính toán.

Khẳng định về việc khó có thể vỡ được hồ bùn đỏ, chuyên gia trong lĩnh vực nhôm Trần Văn Trạch bày tỏ, nếu xảy ra sự cố, chúng ta chỉ cần hạ độ pH xuống 7% là an toàn, không phải lo lắng nhiều.

Về công nghệ, dự án dùng công nghệ thải ướt – công nghệ phù hợp nhất hiện nay, trên thế giới hiện có trên 60% dự án đang sử dụng công nghệ này.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, từ nay đến thời điểm vận hành còn 3 tháng, việc thực hiện dự án hồ chứa bùn đỏ cần có giám sát chặt chẽ và công khai các công đoạn, đơn vị thi công, thiết kế nhằm giám sát lộ trình. Dự án chỉ được khởi động khi dự án hồ bùn đỏ hoàn thành đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã thành lập tổ giám sát môi trường đối với dự án Nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ (Đắk Nông) và Dự án Tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng.

Tổ giám sát môi trường đã và đang tập trung giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và theo tiến độ thực hiện dự án, trong đó chú trọng nội dung xác định dung tích và chất lượng hồ chứa, khả năng động đất.

Đến nay, đã tổ chức 3 đợt giám sát, định kỳ 3 tháng/1 lần có báo cáo gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.

Đảm bảo lưu giữ và xử lý an toàn bùn đỏ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành thẩm định thiết kễ kỹ thuận hồ bùn đỏ thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng tại công văn số 650/TTG-KTN ngày 29/04/2009.


Đoàn công tác liên ngành khảo sát dự án Bauxite Tây Nguyên. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Mặc dù những giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn cho hồ bùn đỏ đã được xem xét, tính toán rất kỹ, với độ dự phòng cao, theo Bộ Công Thương, về nguyên tắc vẫn phải cần xét đến khả năng xảy ra rủi ro trong suốt quá trình vận hành cũng như sau khi đóng cửa và hoàn nguyên để có giải pháp quản trị rủi ro một cách hiệu quả nhất.

Theo đó, Bộ đã giao cho TKV khẩn trương lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài có uy tín để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Tân Rai.

Sau chuyến thị sát 2 dự án bô-xít tại Tây Nguyên trong ngày 06-07/11/2010, Trưởng đoàn công tác liên ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Giáo sư – Viện sĩ – Tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh cũng nhấn mạnh Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải nghiêm túc thực hiện những cam kết của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan có trách nhiệm phải tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của TKV.

Bộ Công Thương và TKV cần cung cấp thêm thông tin cho các nhà khoa học và những người quan tâm để họ hiểu rõ hơn về dự án.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Tổ hợp bô-xít nhôm Lâm Đồng (Dự án alumina Tân Rai) do TKV là chủ đầu tư; được xây dựng trên địa bàn xã Lộc Ngãi và thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Đến nay, tiến độ thực hiện dự án đáp ứng cơ bản về tiến độ xây lắp, gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp) Nhà máy Alumina: Tổng số các hạng mục đã triển khai thi công: 68/69 tổng số hạng mục công trình (còn lại 1 hạng mục chưa thi công là làm xanh khu vực nhà máy).

Công trình thi công đảm bảo chất lượng theo thiết kế. Vật tư nhập về được kiểm tra, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Tư vấn giám sát có mặt thường xuyên trên công trường thực hiện nghiêm túc công tác giám sát và kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng trước khi chuyển giai đoạn thi công.

Đối với gói thầu EPC Nhà máy Tuyển quặng bô-xít Tân Rai, hiện mới hoàn thành khoảng 40% tổng khối lượng phần xây lắp của gói. Thiết bị chế tạo đã hoàn thành khoảng 80%. Phần thiết bị đã chuyển về công trường khoảng 30%..