Đồng loạt xả lũ, Nam Trung Bộ lụt nặng

ThienNhien.Net – Mưa to liên tiếp khiến mực nước tại nhiều hồ thủy điện, thủy lợi khu vực Nam Trung Bộ đạt đỉnh, buộc phải xả đồng loạt trong ngày 2/11. Rất nhiều địa phương tại Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng ngập sâu dưới làn nước.


Mối lo ngại tập trung nhiều nhất tại Phú Yên khi nơi này có đến ba hồ thủy điện đồng loạt xả lũ, với lưu lượng lên tới 10.200m3/s. Trong đó, thủy điện sông Ba Hạ ban đầu dự định chỉ xả 5.700m3/s nhưng về sau phải xả tới 7.000 m3/s. Lượng nước xả từ thủy điện Ba Hạ kết hợp với đợt xả của thủy điện sông Hinh và thủy điện sông Krông H’năng khiến mực nước tại các sông của Phú Yên tăng lên nhanh chóng, tất cả đều vượt mức báo động 3, nhiều nơi vượt báo động 3 từ 1-2m.

Được biết, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiêm Trưởng ban chỉ huy Phòng chống bão lụt & tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã cực lực phản đối chủ trương xả lũ đồng loạt, xả lũ với lưu lượng lớn. Theo ông, không phải cứ đưa ra được lý do chính đáng là có thể xả lũ vì như thế thì sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho vùng hạ lưu.

Không chỉ riêng Phú Yên rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” mà tại Khánh Hòa, nước lũ cũng dâng cao vì có tới 8 hồ chứa nước đã đồng loạt xả lũ. Ngay trong đêm 1/11 và ngày 2/11, hàng loạt hồ thủy lợi như Láng Nhớ, Suối Dầu, Sông Trâu, Cam Ranh, Tân Sương, Am Chúa… đồng loạt xả, làm sạt lở nhiều nơi, ngập nhiều cầu và tràn đường giao thông trong toàn tỉnh.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại Lâm Đồng, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận. Đặc biệt, tại Ninh Thuận, hồ chứa nước Phước Trung (huyện Bắc Ái) với dung tích 2,4 triệu m3 nước đã bị vỡ ngang thân đập khi đang thi công. Rất may không có thiệt hại về người do đã kịp sơ tán.

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, tính đến đến 19h ngày 1/11 đã có 6 người chết và 4 người mất tích; 186 ngôi nhà đổ sập hoàn toàn, gần 2 nghìn ngôi nhà khác bị ngập. Giao thông tại nhiều khu vực thuộc Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đều bị ách tắc do đường ngập sâu hoặc sạt lở.