Di tích “oằn mình” chịu ô nhiễm

ThienNhien.Net – Mỗi năm cứ vào mùa lễ hội là hàng trăm điểm tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam lại phải gồng mình lên gánh tải ô nhiễm. Thực trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo tồn di tích và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Tại Việt Nam hiện nay có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng có một hệ lụy đáng buồn là tại nhiều điểm di tích, việc khai thác du lịch một cách ồ ạt, thiếu đầu tư quản lý chặt chẽ đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường làm mất đi vẻ đẹp cũng như sự tôn nghiêm của di sản.

Theo thống kê của BQL chùa Hương, lễ hội thường kéo dài trong 3 tháng với khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm, thải ra khoảng 135 – 150 tấn/năm. Trung bình lượng rác thải của khách du lịch là 3 – 4 tấn/ngày đêm, ngày cao điểm lên tới 7,5 tấn/ngày. Đến lễ hội Đền Hùng linh thiêng, tất cả mọi người tới đây để hướng về nguồn cội con rồng cháu tiên, ghi nhớ công lao những người con ưu tú của Lạc Việt đã khai thiên lập địa ra xứ trời Nam này nhưng lượng rác thải ra chốn uy nghiêm này cũng không hề nhỏ. Theo số liệu của Ban quản lý Đền Hùng, ước tính Khu trung tâm lễ hội vào những tháng bình thường có khoảng 5.000 – 6.000 du khách thải ra khoảng 900 – 1.200kg rác/ tháng. Vào những tháng lễ hội đầu năm có khoảng 45 vạn du khách, lượng rác thải ước tính 90.000 kg/tháng. Ngày cao điểm lên tới 60 tấn rác/ngày.

Khu di tích Bà chúa Thác Bờ (Hòa Bình) ngập trong rác thải. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Khu di tích Bà chúa Thác Bờ (Hòa Bình) ngập trong rác thải. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Một số chuyên gia cho rằng, việc pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều “lỗ hổng” là lý do khiến các nhà quản lý và chuyên môn gặp lúng túng khi tìm kiếm những giải pháp cho tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp tại một loạt các di tích tại nước ta hiện nay. Hiện Việt Nam chưa xây dựng một bộ tiêu chí đầy đủ để bảo vệ môi trường tại các di tích. Mặt khác, chúng ta cũng thiếu một chế tài cụ thể để xử lý những hành vi gây ra tác động xấu, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn gắn với di tích. Đồng thời chưa có quy định rõ ràng và cụ thể về sự phối hợp giữa các ban ngành, giữa chính quyền địa phương với các ban ngành chức năng trong công tác bảo vệ môi trường tại di tích. Ngoài ra chúng ta chưa hoàn thiện được một hệ thống các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các dân cư sinh sống trong khu vực di tích.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng: “Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, các địa phương đã có nhiều giải pháp về BVMT tại các điểm di tích và lễ hội, tuy nhiên những giải pháp này mới mang tính chất tạm thời, phạm vi hẹp và thiếu sự tham gia của các bên có liên quan, nhất là cộng đồng địa phương. Việc thực thi chính sách mới chỉ chú trọng tới việc phạt, cấm trong khi lại thiếu sự khuyến khích về ý thức và trách nhiệm cộng đồng. Thậm chí nhiều quy định phạt, cấm còn vượt quá quy định của Nhà nước và thiếu các căn cứ pháp lý cần thiết. Điều này rõ ràng đang đặt ra những đòi hỏi cần phải sớm có một hành lang pháp lý cụ thể cho việc BVMT tại các điểm di tích, lễ hội nhằm vừa tận dụng được nguồn tài nguyên du lịch để phát triển đất nước, đồng thời cũng cải thiện được hình ảnh của người Việt, văn hóa Việt”.