Miền Trung thiệt hại nặng do thiên tai

ThienNhien.Net – Khi những nỗi đau mất mát do thiên tai xảy ra tại một số tỉnh Bắc Trung bộ còn chưa nguôi, những ngày này tại một số tỉnh Nam Trung bộ lại đối mặt với một trận lũ mới gây ra bao hậu quả nặng nề.


Theo Tổng cục Thống kê, từ 21/09 đến 21/10, thiên tai tại miền Trung đã làm 173 người chết và mất tích, 168 người bị thương; gần 700 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; hơn 400.000 ngôi nhà bị ngập, tốc mái; trên 51.000 ha lúa và hoa màu bị ngập nước; gần 20.000 ha thuỷ sản nuôi trồng bị hư hỏng, trong đó khoảng 10.000 ha bị mất trắng; gần 280 km đê và hơn 330 km kênh mương bị vỡ, sạt lở và cuốn trôi; trên 1.000 km đường giao thông cơ giới bị sạt lở; gần 1.400 cột điện các loại bị đổ gẫy…, tổng thiệt hại trên 8.500 tỷ đồng. Trong đó Hà Tĩnh thiệt hại nặng nhất với 5.200 tỷ đồng, Quảng Bình 1.900 tỷ đồng và Nghệ An 1.200 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan trích 660 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 và xuất cấp kịp thời không thu tiền 11.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, cùng hơn 153 tấn mì tôm, 58.000 thùng nước khoáng và nhiều loại nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Cùng thời điểm này, khi việc khắc phục hậu quả sau lũ ở Bắc Trung Bộ vẫn đang diễn ra, tại một số tỉnh Nam Trung bộ lại chống chọi với một đợt lũ lớn khiến nhiều đường phố bị ngập sâu tới 1m, giao thông tại một số đường gần như tê liệt. Đến 17 giờ chiều ngày 01/11/2010, tỉnh Khánh Hòa đã có 3 người chết, 8 tàu, thuyền bị chìm.

Tại Phú Yên, sóng to đã đánh chìm một tàu cá công suất 15 CV, một số huyện hầu hết các tuyến đường đều bị ngập nước. Ngoài ra tỉnh Lâm Đồng cũng bị thiệt hại lớn do mưa to kéo dài.

Đến 13 giờ ngày 01/11, tại tỉnh Ninh Thuận tuyến đường sắt vẫn chưa thể lưu thông. Khoảng 400 hành khách đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra vẫn đang bị kẹt tại ga Cà Ná, huyện Thuận Nam, và tại ga Tháp Chàm là 200 người vẫn đang chờ thông tuyến. Sáng nay, hồ chứa nước Phước Trung ở huyện Bác Ái đang thi công đã bị vỡ bờ.

Trong khi đó, thông báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và hạ lưu sông Cái Phan Rang tiếp tục lên. Trưa ngày 02/11, lũ hạ lưu sông Cái Phan Rang sẽ đạt đỉnh tại Phan Rang là 4,7m, trên BĐ3: 0,2m, sau đó xuống chậm. Các sông ở Quảng Nam và Gia Lai, Kon Tum lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Dù mưa đã dứt, tình trạng ngập lụt sâu ở tỉnh Ninh Thuận giảm dần, tuy nhiên, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối.