Nắng nóng gay gắt, nguồn nước cạn kiệt

Đợt nắng nóng dữ dội kéo dài đã gần 1 tuần khiến nhiều vùng thiếu nước. Các tỉnh miền núi cao phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ- nơi nắng nóng gay gắt đã xuất hiện tình trạng thiếu nước cục bộ, khi mà nước trong các hồ đập, sông suối ở mức rất thấp.

Hồ đập cạn kiệt nước, trạm bơm của xã Hưng Yên (Hưng Nguyên, Nghệ An) phải bơm cả bùn lên tưới cho lúa (Ảnh: Hoàng Hảo.)

Nước tại các hồ, đập nước xuống nhanh

Thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, nắng nóng kéo dài  đã khiến hàng loạt hồ chứa nước cạn kiệt, hàng nghìn ha ruộng lúa nứt nẻ. Năm nay, trên địa bàn Nghệ An không có mưa tiểu mãn, lượng nước ở các hồ chứa không được bổ sung, nên khi nắng nóng kéo dài thì tình trạng càng thêm căng thẳng. Sông Cả là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho các công trình đầu mối nhưng lại thiếu nước. Trong khi đó, mực nước các hồ đập và các kênh tạo nguồn nội đồng giảm rất nhanh, nhất là các hồ chứa nhỏ.

Cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh này cho biết, tổng lượng mưa trên địa bàn tính từ đầu năm đến hết tháng 6 là 397,3 mm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 là 112,8 mm. Đáng chú ý, đến ngày 3-7, trong số 533 hồ đập do xã, HTX quản lý có 25 hồ đã xuống cao trình mực nước chết, trong đó nhiều nhất là huyện Tân Kỳ với 15 hồ đập. 305 hồ đập mực nước còn khoảng 30 – 50%. Trong số 95 hồ đập do các doanh nghiệp quản lý, có 40 hồ dung tích nước dưới 50%; 28 hồ dung tích nước còn từ 50 – 70%. Mực nước tại các công trình đầu mối như hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố… đều thấp hơn mực nước thiết kế. Thiếu nước, nên mùa vụ cũng bị ảnh hưởng: tới thời điểm này toàn tỉnh mới gieo cấy được hơn 70 nghìn ha/85 nghìn ha. Riêng tại huyện Hưng Nguyên- địa phương nắng nóng nhất, 1.000 ha lúa hè thu bị khô héo. Một cảnh báo được đưa ra, nếu nắng nóng vẫn tiếp tục, không mưa thì 23.000 ha lúa hè thu sẽ thiếu nước tưới.

Người dân Nghệ An cho biết, tình trạng của năm nay cũng gần với mùa hè năm 2006, khi mà các hồ đập khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ, cá nuôi tại các đập nước bị chết. Vào thời điểm đó, riêng cá nuôi của người dân xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ chết hơn ½.

Cũng giống như Nghệ An, hiện lượng nước trong nhiều hồ, đập nước tỉnh Hà Tĩnh cạn nhanh chóng, nhiều diện tích đất đã phải bỏ hoang vì không có nước tưới… Tại các huyện như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… mưa rất ít, khiến cho 107/345 hồ chứa nước cạn, gần 30 trạm bơi dừng hoạt động. Tại huyện Hương Sơn, trong tổng số 60 hồ nước thì có đến 2/3 số hồ lượng nước chì còn ½. Những hồ lớn như Khe Cò, Khe Mơ (xã Sơn Hàm), trung bình lượng nước 5,6m, nhưng hiện chỉ còn trên dưới 2 mét. Trên những cánh đồng của huyện này, nhiều nơi đã khô cháy, trâu bò đang đứng trước nguy cơ thiếu nước uống.

Là một trong những hồ có trữ lượng nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, nhưng do nắng nóng kéo dài nên hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên) cũng đã thiếu hụt nước.

Nhiều địa phương đối mặt với khô hạn

Với miền núi cao phía Bắc, đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại lớn cho một số nơi. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều nơi khô hạn do nắng nóng. Rõ nhất là tại tỉnh Sơn La. Để bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, trồng cấy, mới đây Công ty cổ phần cấp nước Sơn La đã công bố 30 vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Cùng với việc ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước; thì đó cũng là nhằm mục đích khai thác hợp lý nguồn nước để tránh bị khô hạn. Tới nay, nhiều dòng suối tỉnh này đã cạn trơ đáy, trong khi vẫn không có mưa.

Còn tỉnh Ninh Thuận, thuộc vùng nắng nóng Nam Trung Bộ, tình hình cũng rất phức tạp. Đây là địa phương có lượng mưa ít nhất cả nước, mùa hè luôn đi cùng với khô hạn. Thông tin ban đầu cho biết, kiểm tra tại  21 hồ chứa nước thì lượng nước cũng chỉ đạt 62% dung tích thiết kế. Vì vậy, đã tái diễn tình trạng người dân đào giếng dưới lòng hồ để “chắt” nước.

Với các hồ có dung tích nhỏ hơn, như hồ Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Ông Kinh, Ma Trai… thì cũng đang cạn với tốc độ nhanh. Các hồ chứa nước khác như Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Lanh Ra, Sông Biêu, Tân Giang, Thành Sơn… cũng đã lên phương án hạn chế cung cấp, để ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho dân và nước uống gia súc.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, khu vực ven biển từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, và sẽ đặc biệt gay gắt trong tháng 7. Dự báo, khả năng khô  hạn hán tại Ninh Thuận sẽ kéo dài đến tháng 9.

Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng này sẽ kéo dài tới hết ngày 6/7. Kể từ 7/7 sẽ có mưa trên diện rộng. Tuy nhiên, nắng nóng có khả năng quay lại kể từ ngày 10/7. Những khu vực nắng nóng nhất vẫn là Bắc Trung Bộ. Ninh Thuận, Bình Thuận có khả năng xảy ra khô hạn.