Nam Trung Bộ: Mưa lũ còn tiếp diễn

ThienNhien.Net – Trong hai ngày 30 và 31/10/2010, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh xuống phía Nam, kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã có mưa to đến mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 đến 300mm, khiến nước sông, suối dâng cao đột ngột làm xuất hiện đợt lũ lớn, gây thiệt hại đáng kể tới người và tài sản. Đáng chú ý là khá nhiểu tuyến đường, đèo, giao thông đã bị đình trệ do sạt lở nghiêm trọng.


Mưa to trong những ngày qua đã gây ngập hầu hết diện tích lúa, hoa màu và nhà dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ, các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa gần như chìm trong biển nước. Đặc biệt, lũ xuất hiện đã làm sạt lở đèo Cả ở Phú Yên, khiến lưu thông trên tuyến đường bị tắc nghẽn.

Cùng chung cảnh ngộ là tuyến giao thông huyết mạch từ Phan Rang đi Đà Lạt Giao – quốc lộ 27A thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Nhiều phương tiện lưu thông bị kẹt ở hai đầu trên đoạn đường này bị nước lũ tràn qua dài đến 300 m đã qua một ngày đêm nhưng chưa được thông tuyến.

Hiện nay, một số hồ chứa nước như: Am Chúa, Láng Nhớt, Suối Dầu… đã phải mở cửa tháo lũ. Các sông ở Khánh Hòa đang ở mức trên dưới báo động III. Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã kiểm đếm và liên lạc được với 216 tàu với 1174 thuyền viên đang hoạt động xa bờ.

Lũ do mưa lớn cũng đã cô lập hoàn toàn các xã Đạ Quin, Tà Hine, Đà Loan, Tà Năng thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Thông kê mới nhất từ Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, đến nay, ngoài thiệt hại về tài sản chưa xác định được, có 1 người mất tích.

Triển khai chống lũ theo cấp báo động

Trước tình trạng mưa lũ diễn biến phức tạp ở Nam Trung Bộ, 22 giờ ngày 30/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Phú Yên đến Ninh Thuận triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động.

Cụ thể, các tỉnh trên cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động sơ tán dân; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn xảy ra.

Đồng thời, kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố để đảm bảo an toàn công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình xấu có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực đường bị ngập, các bến đò, đường ngầm; hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn; nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. 

Nam Trung Bộ tiếp tục mưa và lũ vẫn lên cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày 01/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh.

Do mưa lớn vẫn diễn ra, dự báo, lũ các sông ở Ninh Thuận và bắc Bình Thuận tiếp tục lên và ở mức cao. Chiều tối 01/11, mực nước các sông như sau: sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ lên mức 39.50m trên BĐ3: 1,5m; tại Phan Rang lên mức 5,1m, trên BĐ3: 0,6m. Sông Lũy tại Sông Lũy lên mức 28,0m (BĐ3).

Từ tối và đêm 01/11, mực nước trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Định sẽ lên, sau đó đến các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế. Đợt lũ này có thể kéo dài nhều ngày và các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên mức BĐ2 – BĐ3, có nơi trên BĐ3.

Do đó, các tỉnh Nam Trung Bộ cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận.