Quảng Nam: Nạo vét sông Trường Giang để thoát lũ

ThienNhien.Net – Để khơi thông sông Trường Giang, góp phần tăng khả năng thoát lũ cho vùng phía Đông tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt dự án “Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang”, với tổng mức vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.


Sông Trường Giang với tổng chiều dài 67 km, chạy song song với bờ biển, nối liền thành phố Hội An với Khu kinh tế mở Chu Lai, qua địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ và thành phố Hội An.

Lòng sông bị thu hẹp, nguồn nước ô nhiễm

Từ trước đến nay, sông Trường Giang góp phần thoát lũ từ các sông Vu Gia, Thu Bồn đổ về. Đồng thời, là tuyến đường thủy nội địa quan trọng, phục vụ nhu cầu vận tải của người dân, cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các ao nuôi thủy sản phát triển ồ ạt và cầu, đường điện, sáo nò, chươm, rớ xuất hiện ngày càng nhiều bên sông…., đặc biệt là từ khi đập Cổ Linh (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) được xây dựng đã khiến lòng sông bị bồi cạn, luồng lạch bị thu hẹp nghiêm trọng, tàu thuyền không thể đi lại được, vùng ven sông bị ngập úng kéo dài khi nước lũ về.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quang Nam đã nhiều lần tổ chức hội thảo khoa học nhằm tìm biện pháp “giải cứu” sông Trường Giang.

Ý kiến của hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, việc thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy không chỉ có ý nghĩa “giải cứu” con sông này mà còn góp phần quan trọng để thực hiện thành công Dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn Quảng Nam.

Tăng khả năng thoát lũ, giảm nhẹ thiên tai

Xác định đây là một dự án trọng điểm của tỉnh, được Chính phủ, các cấp bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là người dân vùng ven sông Trường Giang hết sức quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh đã ký quyết định phê duyệt dự án “Nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang”, với tổng mức đầu trên 982 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án trọng điểm này nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, góp phần tiêu thoát úng thủy trong vùng dự án và các vùng phụ cận, thông suốt tuyến vận tải thủy từ cửa Đại đến cửa An Hòa, giảm nhẹ sự ô nhiễm và suy thoái môi trường do thiên nhiên và con người tác động.

Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm (2010-2012). Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, điểm nhấn của dự án này là tăng cường khả năng thoát lũ, giảm nhập úng cho vùng ven sông.

Hiện các đơn vị thi công đang cắm mốc giải phóng mặt bằng. Dự kiến trong quý 4/2010, dự án sẽ được khởi công, với quy mô nạo vét, khôi phục toàn tuyến với chiều rộng mặt sông nhỏ nhất là 72m, chiều sâu dòng sông 3m và gia cố, bảo vệ bờ sông để thoát lũ, bảo vệ môi trường sinh thái, bổ sung 50 biển báo hiệu lý trình, địa danh, 40 biển báo hiệu mặt nước.

Việc cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải của tàu có trọng tải 50 tấn và tàu khách du lịch 50 chỗ ngồi.

Theo Dự án, sẽ thanh thải tất cả các công trình vượt sông không đảm bảo yêu cầu đối với luồng sông cấp III (theo quy hoạch cấp sông của Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2020). Trước mắt, giữ lại các công trình kiên cố và bán kiên cố (kết cấu sắt thép và bê tông cốt thép…) để đảm bảo giao thông, phục vụ dân sinh trong giai đoạn hiện nay. Thanh thải các cầu tre qua sông gồm: cầu tre Duy Nghĩa, cầu tre Duy Thành, cầu tre Bình Dương, cầu tre Bình Giang…