Cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá còn quá nhẹ

Từ ngày 01/04 tới, phần cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá sẽ phải tăng diện tích lên 30% vỏ bao. Tuy nhiên, nội dung cảnh báo lại nhẹ hơn so với đề xuất của Bộ Y tế, chẳng hạn "hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi" thay vì "hút thuốc lá gây ung thư phổi".

Từ trước đến nay, lời cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá ở Việt Nam được in rất nhỏ ở vị trí khó đọc, nội dung chung chung: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”. Các điều tra cho thấy thông điệp này hầu như không có tác động đến người tiêu dùng.

Để thực hiện cam kết khi tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, tháng 01/2007 Bộ Y tế đã ra quyết định: Kể từ 17/03/2008 sẽ phải áp dụng mẫu cảnh báo mới, bằng chữ hoặc có cả hình ảnh, chiếm ít nhất 30% diện tích mặt chính. Có 5 thông điệp được chọn để sử dụng luân phiên: “Hút thuốc lá gây ung thư phổi”, “Hút thuốc lá gây hại cho thai nhi và trẻ nhỏ”, “Hút thuốc lá gây chảy mãu não”, “Hút thuốc lá gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”, “Hút thuốc lá gây hôi miệng và hỏng răng”. Bộ cũng quy định rõ về vị trí in cảnh báo, cỡ chữ, kiểu chữ, cách in để đảm bảo thông điệp này dễ dàng đến với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 119 của Chính phủ ban hành tháng 07/2007, thời hạn áp dụng cảnh báo mới sẽ được lùi đến 01/04, và chỉ dùng một trong hai câu: “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” hoặc “Hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)”.

Bác sĩ Phan Thị Hải, cán bộ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), nhận xét, việc thêm chữ “có thể” đã làm yếu đi rất nhiều tác dụng cảnh báo: “Thuốc lá gây ung thư hay COPD là một thực tế, mặc dù nó không xảy ra ngay. Nếu chỉ nói là có thể thì người hút thuốc sẽ không hiểu biết đầy đủ về nguy cơ mà họ gặp phải”.

Việc chỉ đưa ra 2 lời cảnh báo và không bắt buộc sử dụng luân phiên cũng làm giảm hiệu quả khuyến cáo. Nếu cứ in mãi một câu, lâu dần người tiêu dùng sẽ “nhờn” với nó và không còn để ý nữa.

Các chuyên gia về phòng chống tác hại thuốc lá cũng cho rằng, việc Nghị định trên không quy định rõ ràng về cỡ chữ, kiểu chữ, vị trí hay diện tích cũng có thể khiến các công ty thuốc lá lợi dụng để làm yếu đi hiệu quả cảnh báo, điều đã xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, lời cảnh báo có thể được in bằng phông chữ khó đọc, cỡ bé, ở những nơi vị trí khó nhận thấy, hoặc có thể bị che đi khi mở bao thuốc… Theo văn bản trên, phần cảnh báo phải “chiếm 30% diện tích vỏ bao thuốc lá”. Điều này có thể được hiểu là chiếm 30% tổng diện tích bao thuốc chứ không phải các mặt chính, mà như vậy thì sẽ không rộng hơn trước bao nhiêu.

Mặc dù vậy, việc áp dụng mẫu cảnh báo mới vẫn được coi là một bước tiến lớn trong truyền thông về tác hại thuốc lá. Chính vì vậy, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này lo ngại phía nhà sản xuất sẽ tìm cách trì hoãn thực hiện. Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ điều trị, cho biết các lô thuốc lá sản xuất hoặc nhập khẩu từ 1/4 sẽ phải dùng nhãn mới, nhưng số hàng sản xuất trước đó chưa bán hết vẫn được lưu hành. Vì vậy, có thể có trường hợp các công ty sản xuất một lượng lớn hàng với nhãn cũ để bán sau ngày 01/04 với danh nghĩa hàng tồn.

Cùng mối lo ngại, bác sĩ Phan Thị Hải nói: “Vấn đề là làm sao để kiểm soát được số thuốc lá đang lưu hành có đúng là tồn kho hay mới in? Làm sao để biết khi nào thì thực sự hết loại cũ?”.

Ông Vũ Xuân Dũng, Phó vụ trưởng vụ Công nghệ tiêu dùng và thực phẩm, Bộ công thương, nơi kiểm soát mặt hàng thuốc lá, khẳng định có thể giải quyết được vấn đề trên bằng cách kiểm tra sổ sách các lô hàng xuất kho. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận trong lúc giao thời sẽ khó tránh khỏi tình trạng lách luật.

Về phía nhà sản xuất thuốc lá, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Vinataba, cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thay đổi nhãn mác vào đầu tháng tới. Các nhãn mới đã thiết kế xong, một số nhà máy đã đưa in, thậm chí vài đơn vị đã đưa lô hàng có cảnh báo sức khỏe mới ra thị trường từ tháng 3 này, chẳng hạn thuốc “Sea Horse” của Thanh Hóa.

Khi được hỏi về tác động của cảnh báo mới đối với việc tiêu thụ thuốc lá của công ty trong thời gian tới, ông Dũng nói: “Chắc chắn là có ảnh hưởng đến doanh số, nhưng nhà nước đã quy định thì phải tuân theo thôi”.

Nhanh hơn các doanh nghiệp nội, công ty Philip Morris Việt Nam đã đưa ra thị trường các loại thuốc lá Marlboro có phần cảnh báo khá nổi bật. Câu “Hút thuốc lá gây ung thư phổi” được in bằng chữ hoa màu đen trên nền trắng, chiếm 1/3 diện tích các mặt chính của vỏ bao. Anh Hưng, người mua loại thuốc này ở một cửa hàng trên phố Thái Thịnh, nhận xét: “Tôi nhìn thấy câu ấy ngay, và mặc dù đã biết thuốc lá gây ung thư phổi từ trước nhưng đọc khuyến cáo trên bao thuốc vẫn thấy áy náy như bị vợ nhắc lần nữa”.

Các nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới đều khẳng định, việc làm đậm phần cảnh báo sẽ tăng mạnh tác dụng tuyên truyền tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự có hiệu quả nếu có thêm phần hình ảnh. Dự kiến sau 17/03/2010, Việt Nam mới bắt buộc dùng hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc. Theo Bộ Y tế, điều này sẽ giúp tránh 300-700 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm.

Các hình ảnh về tổn thương do thuốc lá gây ra sẽ tác động đến người tiêu dùng một cách trực tiếp và mạnh mẽ, lại có hiệu quả với cả những người học vấn thấp và không biết chữ – đối tượng có tỷ lệ hút thuốc rất cao.

Theo nghiên cứu của Canada, nơi đã sử dụng cảnh báo hình ảnh từ nhiều năm nay, khoảng một nửa số người hút thuốc cho biết hình ảnh đó làm họ nghĩ nhiều hơn về tác hại thuốc lá và muốn cai thuốc, 1/6 cho biết đã ít nhất một lần cất bao thuốc đi vì không muốn người khác nhìn thấy lời cảnh báo. Còn ở Singapore, hình ảnh cảnh báo cũng khiến 2/3 số người hút biết nhiều hơn về tác hại thuốc lá, 1/2 hút ít đi và 1/4 có thêm quyết tâm bỏ thuốc.

Để phản đối việc in cảnh báo bằng hình ảnh, các công ty thuốc lá thường lấy cớ là việc thay đổi mẫu mã, in màu sẽ gây tốn kém khiến công nhân ngành này thất nghiệp. Nhưng trên thực tế, các mẫu bao thuốc trên thị trường được đổi mới thường xuyên, ngày một đẹp và sang trọng, in nhiều màu, thậm chí nhiều hộp trông còn sang hơn thuốc lá ngoại.

Thuốc Capital của Vinataba là một trong những loại có mẫu mã sang nhất, nhưng người tiêu dùng rất khó tìm thấy phần cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao. Nó được in bằng nhũ vàng trên nền giấy vàng nên khó nhận thấy, và nếu nhìn thấy thì người không biết ngoại ngữ cũng không hiểu được vì là tiếng Anh. Bác sĩ Phan Thị Hải cho biết Bộ Y tế cũng đã phát hiện vi phạm này và sẽ có công văn nhắc nhở để Vinataba in lại cảnh báo bằng tiếng Việt đúng quy định.