Một kho thuốc sâu độc hại, bốc mùi nồng nặc ngay giữa khu dân cư TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) nhưng bất ngờ bị “bỏ quên” suốt 25 năm nay, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân, ngay giữa lòng khu dân cư tại Tổ dân phố 9, phường Bắc Lý (TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) lâu nay tồn tại một kho thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu), bên trong có đủ các loại thuốc khác nhau, từ dạng nước đến dạng bột. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đã hết hạn và được bảo quản rất sơ sài.
Thực trạng trên đã đã khiến người dân rơi vào tình cảnh phải “sống chung” với kho thuốc trừ sâu, ngày đêm nơm nớp lo sợ sự nguy hại đến sức khỏe và ô nhiễm môi trường.
Anh Phạm Xuân Vương (32 tuổi, có nhà cách kho thuốc sâu chừng 40m) cho biết, kho thuốc này đã có từ lâu nhưng không thấy ai bảo quản hay thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Mỗi ngày, các hộ dân sống quanh khu vực này phải chịu cảnh hít mùi hôi bốc ra từ kho thuốc sâu. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, mùi hóa chất càng nồng nặc hơn.
“Những hôm dịch COVID-19 phải ở nhà, gia đình anh chịu không nổi phải đóng cửa kín mịt nhưng vẫn cảm thấy hôi” – anh Vương bức xúc nói.
Theo quát sát của báo Lao Động, nhà kho chứa thuốc trừ sâu này được xây dựng rất lâu nên đã cũ, rất xập xệ. Nhà kho chỉ được “bảo vệ” bằng cánh cửa rất sơ sài, chắp vá bằng tấm tôn, để hở khoảng trống lớn đủ khiến mùi hoai bay ra ngoài không khí. Chỉ cần lại gần, mùi thuốc sâu sẽ xộc lên rất hôi hám, khó chịu.
“Ngay giữa khu dân cư mà đặt kho thuốc trừ sâu thì nguy hiểm quá. Đã thế, họ bảo quản rất sơ sài nên ô nhiễm độc hại là không thể tránh khỏi. Mình người lớn thì còn đeo khẩu trang, chứ trẻ con trong xóm chạy nhảy suốt ngày thì rất độc hại” – một người dân khác lo lắng nói.
Theo tìm hiểu của báo Lao Động, kho thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) này thuộc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình. Năm 1995, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình xây dựng một nhà kho lớn phía sau lưng trụ sở doanh nghiệp để chứa phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Nhà kho trước đây là bãi đất trống thuộc sở hữu của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình. Sau này, phía công ty đã trả lại phần lớn diện tích đất trống cho nhà nước quản lý, chỉ sử dụng trụ sở để điều hành công việc và kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã mua đất tại khu vực này để xây dựng nhà cửa, sinh sống và định cư tại đây. Kể từ đó, họ bắt đầu “sống chung” với ô nhiễm từ kho thuốc trừ sâu, mà không còn cách nào để thoát ra được.
Trước thực trạng trên, các hộ dân đã phản ánh đến Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình với mong muốn doanh nghiệp sớm có biện pháp di dời kho thuốc trừ sâu đi một nơi khác xa khu dân cư, hoặc tiêu hủy số thuốc bên trong nhà kho. Tuy nhiên, sự việc chưa được giải quyết.
Liên quan đến sự việc, lãnh đạo Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình xác nhận, nhà kho thuốc bảo vệ thực vật nói trên đang thuộc sở hữu của công ty từ hàng chục năm qua và nói “chưa thấy ảnh hưởng gì” đến môi trường cũng như các hộ dân cư.
“Nhà kho được xây dựng từ năm 1995 đến nay. Chúng tôi từ rất lâu đã không kinh doanh thuốc trừ sâu nữa rồi, số lượng tồn đọng trong kho chỉ chừng 200kg, được sản xuất từ Trung Quốc rất lâu về trước, đến nay đã hết hạn sử dụng. Đáng lý phải đem đi tiêu huỷ, nhưng chưa được phép nên buộc phải để đó” – lãnh đạo Công ty CP Vật tư nông nghiệp Quảng Bình nói.
Công ty trên cho rằng, số lượng thuốc bảo vệ thực vật được “bảo quan rất kỹ trong kho”, với nhiều lớp bạt phía dưới nền và nhà kho cũng được che chắn kỹ nên việc mùi hôi tràn ra khu vực dân cư là rất khó. Nếu có thì cũng không đáng kể (?!).
Trong khi đó, người dân phản ánh đến báo Lao Động rằng, lượng thuốc trừ sâu tồn đọng trong nhà kho ở khu vực này vẫn còn khá lớn. Thậm chí, số thuốc sâu dạng lỏng có thể đã ngấm vào nguồn nước ngầm khiến họ rất lo lắng.
Về vấn đề trên, ngày 5.10, UBND phường Bắc Lý (TP.Đồng Hới) cho hay, sẽ kiểm tra, nắm bắt thông tin và nếu ô nhiễm độc hại thì sẽ đề xuất các cơ quan thẩm quyền có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng, đảm bảo an toàn cho người dân.