Dự thảo Luật thuế BVMT: Vẫn tách bạch thuế và phí

ThienNhien.Net – Đối tượng chịu thuế, sự chồng chéo giữa thuế và phí bảo vệ môi trường, phương pháp tính thuế… vẫn là những nội dung chính thu hút nhiều ý kiến thảo luận khác nhau của các đại biểu Quốc hội khoá XII, trong kỳ họp thứ 8 sáng 21/10 về dự thảo Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT). Đây là dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp này.


Mở rộng đối tượng chịu thuế

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật thuế BVMT, đối tượng chịu thuế được quy định thành 5 nhóm hàng hóa, bao gồm: xăng, dầu, mỡ nhờn; than; dung dịch làm lạnh HCFC; túi ni lông và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản, thuốc khử trùng…

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, không chỉ có 5 nhóm hàng hóa trên, nhiều loại hàng hóa khác cũng gây hại cho môi trường, do đó, cần mở rộng đối tượng chịu thuế như: thuốc lá, tre, nứa ngâm làm đồ mỹ nghệ, hoạt động khai thác vàng, khai thác cát; cơ sở giết mổ, khí thải điều hoà, hóa chất công nghiệp, hoá chất tẩy rửa, khí than, pin, ắc quy, một số máy móc không sử dụng…

Đề nghị đưa thuốc lá vào diện chịu thuế, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng, thuốc lá là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt song hiện vẫn còn thuốc lá lậu, giá rẻ; mặt khác dù đã có quy định cấm hút thuốc lá nhưng chưa được thực hiện nghiêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) lại đề nghị ban soạn thảo xem xét đưa bao bì làm bằng chất ni lông vào diện chịu thuế.

Trước loạt ý kiến này, theo giải trình của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đối tượng chịu thuế sẽ “mở” để có thể bổ sung, nhưng sẽ không quá rộng, vì qua khảo sát thực tế cho thấy, mức độ gây ô nhiễm của mỗi sản phẩm là rất khác nhau và trong bối cảnh hiện nay chưa nên quy định mọi sản phẩm gây ô nhiễm đều thuộc diện chịu thuế.

Mặt khác, xét về bản chất, trong các đối tượng được đề cập ở trên thì phần lớn thuộc diện phải điều chỉnh bằng phí môi trường chứ không thuộc diện điều chỉnh bằng thuế. Ví dụ, quá trình khai thác vàng gây ô nhiễm, song khi sử dụng trang sức là vàng thì không gây ô nhiễm; quá trình khai thác cát, sản xuất xi măng cũng tương tự… Do vậy, nếu áp dụng thuế BVMT đối với các đối tượng trên thì sẽ không phù hợp.

Riêng đối với một số mặt hàng như pin, máy tính, máy in, máy phô tô-coppy, đèn huỳnh quang, điện thoại di động, đầu đĩa DVD, VCD, CD, máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt,… là những sản phẩm gây ô nhiễm, hiện Chính phủ đang khẩn trương xây dựng cơ chế đặt cọc thu hồi nhằm phù hợp với tính chất sản phẩm. Vì vậy, không bổ sung vào diện chịu thuế BVMT.

Đối với mặt hàng thuốc lá, hiện nay, dự thảo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đang trong quá trình soạn thảo, theo đó, dự kiến ban hành nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi gây ô nhiễm do sử dụng thuốc lá. Hơn nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với thuốc lá luôn ở mức khá cao (thuế suất hiện hành là 65%) và trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào thu thuế BVMT đối với thuốc lá.

Để tạo sự linh hoạt trong quá trình thi hành Luật, tiếp thu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị bổ sung khoản 9 vào Điều 3, quy định: “Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định”. Bằng quy định này, căn cứ vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, UBTVQH sẽ kịp thời bổ sung các đối tượng gây ô nhiễm khác vào diện chịu thuế để bảo đảm tính công bằng, phù hợp thực tiễn trong thực thi chính sách.

Rành rọt thuế và phí môi trường

Vẫn là những thắc mắc của đa số đại biểu về thuế và phí BVMT có chồng chéo hay không, vì trong nhóm đối tượng chịu thuế, có những sản phẩm chịu cả thuế và phí môi trường như xăng, dầu, than… Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ bản chất của hai công cụ tài chính này.

Thuế BVMT áp dụng đối với việc sử dụng hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường, và người sử dụng sản phẩm hàng hoá gây ô nhiễm phải chịu thuế. Còn phí BVMT không áp dụng đối với việc sử dụng hàng hóa mà đánh vào hành vi xả thải có hại ra môi trường từ quá trình sản xuất, và nguyên tắc áp dụng là người có hành vi này phải nộp phí.

Vì vậy, thuế BVMT nhằm định hướng hành vi lựa chọn hàng hoá của người tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Còn áp dụng phí môi trường nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương để khắc phục hậu quả môi trường; đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng công nghệ sạch, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), người sản xuất hàng hóa gây ô nhiễm phải là người chịu thuế chứ không phải là người tiêu dùng. Bởi vì có những đối tượng sản xuất do chưa tiếp cận với công nghệ hoặc thậm chí do hoàn cảnh nào đó mà vẫn phải áp dụng công nghệ gây ô nhiễm. Cho nên, người tiêu dùng không có cách lựa chọn nào khác là phải sử dụng sản phẩm ấy. Mục đích của luật nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, nhưng nếu như không có sản xuất thì không có tiêu dùng.

Mặt khác, một số ý kiến lại đề nghị nếu đã có thuế môi trường thì không cần phí môi trường, đồng thời nên thực hiện theo hướng lồng ghép các quy định để dễ thực hiện. Điều này đã được bác bỏ ngay, bởi theo UBTVQH, vẫn cần duy trì quy định cả về phí môi trường và thuế BVMT trong hệ thống pháp luật, không thể lấy việc thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho việc nộp phí và ngược lại.

Làm rõ hơn về nguồn thu, UBTVQH cho biết, nguồn thu từ thuế BVMT được đưa toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, không phân biệt mục đích sử dụng. Nguồn thu từ phí môi trường mang tính bù đắp và hoàn trả trực tiếp cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.

Về điều này, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng, trên thực tế, việc thu phí môi trường trong còn nhiều bất cập, số thu rất hạn chế, không tương xứng với yêu cầu đặt ra, không đủ khắc phục hậu quả môi trường, nhiều đối tượng chưa được điều chỉnh, dẫn đến môi trường ngày càng ô nhiễm (chế biến thực phẩm, sản xuất xi măng và từ nhiều ngành sản xuất khác…).

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị, cần khẩn trương rà soát hệ thống quy định về các loại phí liên quan đến môi trường để bổ sung đối tượng cần điều chỉnh; xác định lại mức phí để bảo đảm nguồn lực tài chính khắc phục hậu quả ô nhiễm do hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra; khuyến khích sử dụng công nghệ sạch.


Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): “Nên tính thuế theo phương pháp tương đối”. (Ảnh: Đại biểu Nhân dân)

Nên tính thuế theo phương pháp nào?

Về phương pháp tính thuế, theo quy định của dự thảo Luật, số thuế BVMT phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hoá chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hoá. Biểu khung thuế tuyệt đối được quy định cụ thể ngay trong Luật, đơn cử như than từ 10 – 30.000 đồng/tấn; túi ni-lông (loại thuộc diện chịu thuế) từ 30 – 50.000 đồng/kg; thuốc diệt cỏ từ 500 – 2.000 đồng/kg…

Căn cứ theo Biểu khung thuế này, UBTVQH quy định mức thuế tuyệt đối cụ thể áp dụng cho từng loại hàng hoá chịu thuế BVMT theo các nguyên tắc quy định tại Điều 8 của Dự thảo.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) và đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, nên tính thuế theo phương pháp tương đối, tức là tính phần trăm theo giá chứ không nên tính theo phương pháp tuyệt đối. Mức thuế tương đối được áp dụng từ mức 0%, 2%, 5%, 10% và 20%, trong đó từ mức 0% – 5% áp dụng để điều tiết các sản phẩm tăng nguồn thu bảo vệ môi trường, đối với mức 10% – 20% áp dụng cho những sản phẩm không khuyến khích sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Trung Nhân đề nghị, giao cho UBTVQH tùy vào điều kiện từng thời kỳ sẽ quy định loại hàng hóa nào chịu mức thuế nào, như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng.

Còn theo đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), phải áp thuế cao hơn nữa đối với túi ni-lông, lên tới mức 40 – 60.000 đồng/kg. Nhưng, từ góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lại cho rằng, túi nhựa xốp (ni-lông) tuy gây ô nhiễm môi trường, nhưng hiện đã có giải pháp tái chế. “Nhà máy nhựa Thủy Phương (Huế) đã dùng túi nhựa xốp qua sử dụng để chế tạo ống cống không vỡ. Nên tìm cách tái chế túi nhựa xốp, bởi ngay cả những nước phát triển hơn ta rất nhiều cũng chưa bỏ được mặt hàng rất tiện dụng này”, ông Dũng nói.

Riêng về vấn đề hoàn thuế được quy định tại Điều 11, đại biểu Trần Văn Tấn cũng đưa ra ý kiến, quy định hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế bảo vệ môi trường nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan được tái xuất ra nước ngoài như dự án luật là chưa chính xác, cần giải thích thêm rằng, hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu thì chưa hoàn thuế, chỉ hoàn thuế khi được tái xuất ra nước ngoài.