Bảo tồn nơi rừng cấm vùng biên – Kỳ 3

ThienNhien.Net – Không chỉ là nơi sinh sống lý tưởng của loài vượn quý hiếm, Khu Bảo tồn loài Sinh cảnh Vượn Cao Vít còn là môi trường sinh sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã khác, trong đó nhiều loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam.


Đa dạng sinh học ở mức cao

Là Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh, được thành lập với mục đích chính là bảo tồn và phát triển đàn vượn Cao Vít, song trong khu rừng giáp biên này, là một sự đa dạng sinh học đến bất ngờ, đặc biệt là đa dạng hệ động vật.

Có lẽ ít khu bảo tồn nào ở Việt Nam trên một diện tích sinh cảnh nhỏ hẹp lại có sự hiện diện của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn Cao Vít. Chỉ với hơn 1.600ha vùng lõi, song nơi này có sự tồn tại của một loài Vượn đặc hữu của Việt Nam, 3 loài linh trưởng khác là: Khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc; sơn dương và ít nhất là 2 đàn gấu với khoảng 8-10 cá thể… Tổng cộng gồm 23 loài thú thuộc 14 họ, 5 bộ; 61 loài chim; 11 loài lưỡng cư bò sát.

Theo chuyên gia Cường, Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít đã ghi nhận dầu vết của Hươu cao xạ, một loài động vật hoang dã quý hiếm, nằm trong sách Đỏ Việt Nam.

Trong các loài động vật sinh sống trong Khu Bảo tồn, gấu là loài để lại nhiều dấu vết và rất dễ quan sát, ngay bên lán tổ tuần rừng. Những vết cào bởi móng tay gấu, những lõi ngô đã bị gấu ăn hết hạt và những ô cỏ ranh bị gãy dập do gấu đi, nằm… chúng tôi đều ghi nhận rất rõ.

Như để chứng minh sự hiện hữu của đàn gấu, anh Cường dẫn chúng tôi lại hai vại nước đầu hè với những vết cào xước kéo dài, đây chính là dấu vết đàn gấu để lại khi uống nước. Những móng tay gấu cào vào thành vại khi chúng vịn lên thành vại và vụ nước vào miệng. Nhìn vào những vết cào với khoảng cách các đường cào khác nhau, dễ dàng nhận thấy là đàn gấu có nhiều thành viên có kích thước khác nhau.

“Chúng tôi dự đoán, ở trong khu rừng này hiện có 2 đàn gấu, số lượng từ 8 -10 con. Chúng vẫn thường vào khu vực lán để ăn ngô của người dân thu hoạch trước đó. Một nguyên nhân khác nữa khiến đàn gấu hay ghé thăm khu ở của tổ tuần rừng là vì ở đây có nước. Đây là khu vực núi đá vôi, nguồn nước rất hiếm hoi, nên gấu thường lui tới uống nước ở những vại nước để ở ngoài trái” – anh Cường cho biết.

Không chỉ uống uống, gác ngô xếp cạnh lều cũng là nơi kiếm ăn ưa thích của những đàn gấu, khi lượng thức ăn ở trong rừng Khu Bảo tồn ngày càng khan hiếm khi trời vào đông. Trước đây, khi khu bảo tồn chưa được quy hoạch bảo vệ, người dân bản địa vẫn là trồng ngô, đỗ tương trong các lũng nhỏ trong rừng. Đây là một nguồn thức ăn của gấu. Tuy nhiên, vì mục đích chúng nhằm bảo vệ tốt nhất cho khu rừng cấm, việc trồng ngô, làm nương trong vùng lõi đã dần được hạn chế. Do đó, đàn gấu thường xuyên đi tìm thức ăn hơn, và cũng trở nên bạo hơn, khi trở về ăn, ngủ gần lán của tổ rừng.

Đưa tiếp chúng tôi đến phía sau lán, chỉ chừng 20m, một vạt cỏ ranh rộng chừng chiếc chiếu đôi đang bị tàn lụi. “Đây chính là chỗ ngủ của một trong 2 đàn gấu” – anh Cường cho biết. Vì thung lũng là nơi còn nhiều thức ăn (ngô khô xếp ở gác lán) nên đàn gấu thường quanh quẩn nơi đây để kiếm ăn. Dường như chúng cảm nhận được sự an toàn quanh khu vực vốn là nơi làm việc của tổ tuần rừng và những chuyên gia.

Trong rừng cấm ban đêm, không gian tĩnh mịch vô cùng. Không điện, dưới đất chỉ là ánh sảng nhỏ nhoi của những cây nên thắp trong căn lều nhỏ. Nên cháy, chỉ đủ cho mọi người nhìn thấy không gian nhỏ bé của căn lán rừng sâu.

Sóc bay có trọng lượng lên khoảng 3 – 4kg/con trưởng thành, giữa 2 chân trước và sau có màng liền, khi chèo lên cây cao rồi nhao xuống, chúng giang rộng tứ chi, màng liền chân từ hai bên sẽ có tác dụng những cánh bay, nên chúng lướt rất xa trên không trung, trước khi đáp an toàn vào một cây nào đó. Khoảng cách “bay” của chúng có thể xa hàng trăm mét hoặc hơn, tuỳ thuộc vào độ cao chúng lao mình.

Đêm xuống, chúng tôi lần dẫn trong ánh đèn pin đi soi sóc bay ban đêm. Thú sói sóc bay đêm là điều thú vị và hoàn toàn mới lạ với nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi. Để nhìn thấy sóc bay ban đêm, cần đèn pin thật sáng. Trong ánh đèn pin sáng trắng vào ban đêm, chúng tôi lại bắt gặp những cặp đôi đốm tròn đỏ lừ, lúc ẩn lúc hiện – ấy chính là ánh mắt của loài sóc bay bị phản chiếu bởi ánh đèn pin, nên chuyển màu đỏ ngầu, rất dễ nhận biết.

 
Phát hiện dấu phân nghi của hươu xạ. (Ảnh: Hạ Đình).

Chưa dứt mối lo

Hiện nay, những nguy cơ đe doạ sinh cảnh của đàn vượn cũng như những loài động vật khác ở đây vẫn còn những khó khăn không nhỏ. Đó là áp lực sử dụng củi đun của người dân sống nơi vùng đệm Khu Bảo tồn.

Hầu hết người dân sống vùng đệm Khu Bảo tồn đều sử dụng củi làm nguyên liệu chất đốt chính. Khu vực miền núi phương bắc này thời tiết vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, nên người dân sử dụng tăng cường lượng củi đốt để giữ ấm. Trong Khi đó, diện tích rừng của Khu Bảo tồn thì rất ít khả năng mở rộng, nếu không muốn nói hầu như không thể.

Một nghiên cứu cách đây vài năm của FFI về nhu cầu sử dụng củi đun của người dân sống trong Khu Bảo tồn cho kết quả trung bình người dân thuộc các thôn này sử dụng củi đun cho sinh hoạt hàng ngày là 18 – 20kg/hộ/ngày và sẽ nhiều gấp đôi vào mùa đông do nhu cầu sử dụng củi đun để sưởi ấm. Do đó, rừng ở đây đang chịu áp lực hàng ngày.

Từ trước khi Khu Bảo tồn được thành lập, nhiều diện tích rừng nơi đây đã được giao cho hộ gia đình quản lý và chăm sóc. Và đây đang là diện tích chịu nhiều áp lực cung cấp củi đun nhất cho người dân. Hiện tại, vẫn còn hàng trăm ha diện tích rừng giao cho người dân từ trước khi thành lập Khu Bảo tồn, chủ yếu là vùng đệm.

Nhận định những thách thức do việc sử dụng củi đốt của bà con sống trong vùng đệm khu bảo tồn, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn Cao Vít, ông Nông Văn Tạo băn khoăn: “Hiện nay chúng tôi đang gặp phải 3 thách thức không nhỏ đe doạ rừng trong khu bảo tồn, đó là, khai thác gỗ làm củi đun; gỗ làm mới, sửa chữa nhà cửa và khai thác loài cây khác về làm ống nước. Dù việc quản lý và ý thức của người dân đã tốt hơn trước thời điểm Khu bảo tồn được thành lập, nhưng đây vẫn là những nguy cơ đe doạ tài nguyên rừng.

Bên cạnh những mối đe doạ thu hẹp sinh cảnh của loài Vượn Cao Vít từ nhu cầu cuộc sống của người dân địa phương, thì những xâm phạm từ người dân Trung Quốc sống giáp vùng biên Khu Bảo tồn, tuy diễn ra nhỏ lẻ nhưng phức tạp. Việc quản lý vũ khí, súng đạn khu vực vùng biên của nước bạn không nghiêm bằng khu vực biên giới Việt Nam, nên vẫn xuất hiện những trường hợp người dân Trung Quốc di chuyển sang và săn bắn, đặt bẫy thú ở các cánh rừng Khu Bảo tồn thuộc lãnh địa Việt Nam.

“Cách đây 2 năm, chúng tôi giữ một số người dân của họ vì họ dặt bẫy săn bắn và chặt cây lấy củi. Chỉ mấy tháng trước, ở Phong Nậm, họ sang chặt cây, nhưng khi phát hiện thì họ lại chạy về nước. Chính Vì vậy, Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng trong các chuyến tuần rừng, để đảm bảo hiệu quả cao nhất và có giúp sử lý kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến lĩnh vực xâm phạm biên giới, nếu có” – Ông Tạo nói.