Quảng Nam, Đà Nẵng khẩn cấp đối phó dịch sốt xuất huyết

ThienNhien.Net – Hiện nay, số ca sốt xuất huyết tại Đà Nẵng đã tăng gần 7 lần, trong khi số ca bệnh tại Quảng Nam đã gấp hơn 9 lần so với cùng kỳ năm 2009. Cụ thể, tính đến sáng 14/10, Đà Nẵng có hơn 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH, và tại Quảng Nam là 1.620 ca. Đặc biệt, đã có 1 ca tử vong tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.


Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, năm 2010 là năm chu kỳ của dịch kể từ năm 2007. Ngoài ra, mưa lớn diễn ra ở các tỉnh miền Trung trong thời gian qua và việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị trên diện rộng đã tạo ra những khu đất trống, cống rãnh, hồ nước nhỏ, bãi rác…, là điều kiện thuận lợi cho lăng quăng (bọ gậy) phát triển mạnh, những nguyên nhân chính khiến SXH bùng phát mạnh tại một số địa phương ở miền Trung.

Các chuyên gia y tế còn cho biết, khi mùa mưa chưa qua, nguy cơ dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, số ca mắc SXH sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm.

Trước tình hình đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể trên địa bàn thành phố triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch, vận động mọi người dân chủ động hơn và tự giác trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH như tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy 1 lần/1 tuần tại các hộ gia đình, tổ dân phố, cơ quan, trường học…

Sở Y tế thành phố cũng lên kế hoạch phòng, chống dịch trong những tháng cuối năm như tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy hằng tuần và duy trì hoạt động này cho đến hết năm. Sở cũng sẽ triển khai chiến dịch phun thuốc hóa chất đợt II vào cuối tháng 10/2010 theo chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang…

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cũng đã lên kế hoạch xử lý dứt điểm các ổ dịch thuộc các huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành và Phú Ninh, đặc biệt là những tháng cuối năm 2010. Bên cạnh đó cần duy trì các hoạt động phun thuốc, diệt bọ gậy tại Hội An, Quế Sơn và thành phố Tam Kỳ.

Đồng thời, thành lập ngay một đội phòng dịch lưu động đến tận nhà dân, ký túc xá, nhà trọ sinh viên, học sinh, cộng đồng dân cư… để tuyên truyền về tác hại của dịch SXH và công tác phòng, chống dịch.