Chuyện trên dãy núi Con Voi (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Dãy núi Con Voi, lá phổi xanh lớn thứ hai của miền Tây Bắc, chỉ xếp sau dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nóc nhà của toàn cõi Đông Dương. Nhưng vài ba năm trở lại đây, lá phổi xanh ấy đang trơ tróc từng mảng.

Những đường mòn trâu kéo gỗ

Đến bìa rừng xã Long Khánh chúng tôi không khỏi giật mình bởi tiếng cưa máy vọng lại, ngay cửa rừng có rất nhiều hộp gỗ được xẻ vuông vắn vừa mới được người dân địa phương dùng trâu kéo ra. Chỉ cách đây ít ngày, những hộp gỗ vuông thành sắc cạnh bên lề đường kia vẫn còn là thân cây sừng sững…

Người dân xã Long Khánh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khi chưa đến mùa gặt, họ không có công việc phụ nên thường vào rừng kiếm măng và vác cưa máy, gùi xăng, nhớt lên rừng xẻ gỗ. Đôi khi họ mang theo cả chăn màn, ở hàng tuần mới xuống. Có những nhà làm giấy xin khai thác vườn rừng nhà mình, nhưng lại vác cưa máy, búa rìu lên rừng nhà nước mà chặt, mà cưa đem bán.

Điều đáng buồn là bao năm qua người dân ồ ạt kéo nhau lên phá rừng, hy vọng rằng đây sẽ là nguồn thu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng trớ trêu thay, thế hệ này qua thế hệ khác, cuộc sống người dân dưới chân dãy núi Con Voi vẫn không thoát khỏi cái nghèo.

Từ thôn Lủ 1, xã Long Khánh, chúng tôi leo lên con dốc thẳng đứng chừng hơn 2km, đây chính là con đường chuyển gỗ của lâm tặc từ rừng phòng hộ xã Long Khánh. Bắt chuyện một người dân địa phương đang điều khiển trâu kéo một khúc gỗ tròn lớn, chúng tôi nghe anh than phiền trước đây nằm sát những ngôi nhà sàn dưới bản có nhiều cây gỗ to tới hai ba người ôm không xuể, nay những tay sơn tràng tìm những cây gỗ chỉ một người ôm thôi cũng phải lội vào tận rừng sâu mới có.

Những đường mòn do trâu kéo gỗ nhiều lõm xuống thành ổ trâu, ổ voi. Cứ chỗ này sâu quá trâu không đi được người ta lại mở một con đường khác. Không biết đã có bao nhiêu mét khối gỗ được kéo qua những con đường này.

Rừng phòng hộ thành nương rẫy

Bên cạnh nạn lâm tặc mới xuất hiện chừng vài năm trở lại, rừng Con Voi cũng chịu sức ép từ tục du canh vẫn còn rơi rớt từ xa xưa. Nhưng điều đáng sợ ở chỗ một số hộ dân Làng Khay, Lâm Giang còn thuê cả máy đào máy xúc vào khai hoang rừng phòng hộ.

Từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, vào các buổi chiều hè nhìn lên dãy núi Con Voi thi thoảng lại bắt gặp những cột khói nghi ngút bốc lên, lá cây khô bị cháy vẫn còn đỏ lửa bay xuống tận làng Khay.

Có những đêm khuya, nghe thấy tiếng nổ bốp báp đinh tai nhức óc, chạy ra hiên nhà thấy một vùng trời sáng rực trên núi Con Voi như một quả cầu lửa. Hỏi người lớn tuổi thì được biết đó là bà con dân tộc Dao bên Văn Yên đốt nương.

 phá rừng làm nương rẫy
Nhiều đám nương còn bốc khói nghi ngút trong rừng phòng hộ

Đứng ở xã Lương Sơn nhìn lên Thung Vec (tên địa phương) thuộc dãy núi Con Voi thấy những đốm đen nằm lấp ló giữa rừng cây rậm rạp. Đó là những mảng rừng bị “vặt trụi” của một số bà con dân tộc ở bên kia dãy núi sang phát trộm. Thoáng thấy bóng chúng tôi, bà con đang dọn nương bồng bế con chạy hút vào rừng sâu.

Được biết phần lớn người dân thôn Làng Khay sống chủ yếu dựa vào rừng, quanh năm họ chỉ biết đến trồng ngô và vào rừng chặt gỗ, bẫy thú rừng. Nhưng cũng không ít hộ dân tiến bộ hơn đã biết trồng cây lúa nước, họ tìm nơi nào có thể đưa nước từ khe suối vào là khai hoang vỡ ruộng, (kể cả trong rừng phòng hộ). Do ở địa hình cao, nên việc trồng lúa nước cho nắng suất thấp, việc trồng lúa nương và ngô được bà con nơi đây trồng nhiều hơn.

Chúng tôi vượt qua dãy núi Con Voi hùng vĩ, theo con đường mòn xuyên rừng xuống xã Lâm Giang. Vừa từ trong rừng già bước ra, trước mắt là một vạt ngô rộng bạt ngàn. Một số hộ đang vội vã dọn nương chuẩn bị trồng vụ mới, khói củi còn bay nghi ngút.

Men theo con đường mòn, vòng qua vạt ngô là xuống tới thôn Làng Khay. Ngay sát con đường mới mở vào thôn có cột mốc ghi “Khu phòng hộ Văn Yên II – PH15″, nghĩa là từ cột ấy mà hất ngược lên đỉnh núi sẽ là rừng phòng hộ. Ngay bên trong cột mốc có gần chục hộ dân đang sinh sống.

Hỏi anh TVT. người dân thôn Làng Khay, anh bảo “đấy chỉ là lều thôi, nhà thì vừa rồi chính quyền vận động di cư ra ngoài hết rồi”. Bà con “di ra ngoài hết rồi” nhưng trong những lều ấy tôi vẫn thấy lui cui bóng người. Ngược lên trên đỉnh núi là nham nhở những nương ngô, nương sắn đương xanh và những khoảnh ruộng nằm rải rác.

Khói từ rừng vẫn bốc lên nghi ngút, máy đào to lù lù vẫn tiến vào rừng, máy cưa xẻ gỗ vẫn ầm ầm, dưới bản ai cũng nghe thấy, nhưng….lãnh đạo địa phương không nhìn thấy, không nghe thấy.

Hỏi kiểm lâm huyện thì huyện bảo: “Sự việc phá rừng như nhà báo nêu ở thôn Làng Khay là không có, đơn vị chúng tôi có hơn 40 người luôn túc trực tại đó, mặc dù địa bàn rất rộng nhưng việc bảo vệ rừng ở Văn Yên chúng tôi làm rất tốt”. Hỏi lãnh đạo xã Lâm Giang thì xã nói: “Thỉnh thoảng vẫn có tình trạng người dân lén lút phá rừng nhưng mang tính chất nhỏ lẻ”.

Lãnh đạo xã Lâm Giang cho biết xã đã tiến hành giải tỏa hết những hộ dân sinh sống trong rừng phòng hộ ra khu tái định cư mới. Một số nhà còn lại chỉ là lều của họ ở lại trông nương, làm ruộng. Sau khi họp, chính quyền xã vẫn cho số hộ dân trên làm ruộng ở chân rừng để họ có cái ăn, không vào rừng chặt gỗ nữa. Nhưng như chúng tôi quan sát, ruộng nương của một số bà con nằm cách chỗ lều họ ở tới hơn một cây số về phía đỉnh núi.

Dãy Con Voi là hệ thống núi cổ nằm phía hữu ngạn sông Chảy những núi thấp đỉnh tròn, sườn thoải trên độ cao 400 – 700m, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đây là đường phân thủy của sông Hồng và sông Chảy. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ tập trung tại đầu nguồn và trên vành cao dãy núi Con Voi, có nhiều lâm sản quý hiếm. Điểm cao nhất của dãy núi thuộc xã Long Khánh, ở độ cao 1.120m.