Mở rộng nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau

ThienNhien.Net – Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có của Cà Mau về nuôi trồng thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản, từ nay đến năm 2015, tỉnh Cà Mau sẽ nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 10.000ha; đến năm 2020 khoảng 20.000ha theo dự thảo cơ chế, chính sách phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.


Theo đó, cụm nuôi tôm công nghiệp sẽ được Nhà nước đầu tư mới hoặc nạo vét các kinh trục cấp và thoát nước, đầu tư hệ thống lưới điện 3 pha, đầu tư đấu nối giao thông đường bộ. Ngoài ra, người dân còn được nhận các hỗ trợ như: hỗ trợ đào tạo về công tác quản lý, nguồn lao động; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ điều trị dịch bệnh, khắc phục thiên tai…

Cà Mau có tổng diện tích nuôi tôm 265.153 ha nhưng nuôi quảng canh 263.713 ha, chiếm 99,45%. Diện tích nuôi công nghiệp chỉ có 1.440 ha, chiếm 0,55%. Trong khi đó, năng suất bình quân của tôm quảng canh chỉ đạt 0,35 tấn/ha, còn năng suất bình quân tôm công nghiệp là 5 tấn/ha.

Về cơ bản, diện tích phát triển nuôi tôm công nghiệp theo định hướng đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ từng bước phát triển, cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên như: xây dựng và phát triển nông thôn mới, các chủ trương về tín dụng nông thôn, hỗ trợ giống, vật nuôi.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư và vốn Nhà nước còn hạn hẹp do đó chưa thể đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản, mối liên kết giữa người nuôi và cơ sở chế biến thủy sản chưa chặt chẽ, nông dân hiện vẫn phải nuôi theo kiểu truyền thống phụ thuộc nhiều vào thời tiết do đó, năng suất không cao.

Để mô hình nuôi tôm công nghiệp triển khai có hiệu quả, trước mắt, người nuôi tôm phải am hiểu các quy trình nuôi tôm công nghiệp. Điều này đòi hỏi sự tăng cường hỗ trợ từ ngành chuyên môn về tăng cường công tác khuyến ngư cơ sở.